Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án luật và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đọc báo cáo thẩm tra.
Sớm thống nhất mô hình chính quyền đặc khu
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và trưởng khu hành chính, không tổ chức HĐND và UBND. Phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính phủ đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án 1. Khi thẩm tra tờ trình, Ủy ban Pháp luật chưa thống nhất lựa chọn phương án nào nên lấy ý kiến của QH.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đánh giá so với các nước, đến nay Việt Nam mới xây dựng luật đặc khu là quá chậm. Tuy nhiên, ĐB Quyền băn khoăn: "Cần rà soát, xem xét lại việc giao nhiều quyền quản lý hành chính cho trưởng đặc khu. Nếu có việc gì xảy ra, bộ ngành không can thiệp được là rất khó. Lĩnh vực kinh tế thì có thể giao toàn bộ cho trưởng đặc khu nhưng các lĩnh vực khác thì cần nghiên cứu ủy quyền có mức độ đến đâu là phù hợp" - ĐB Quyền nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Nếu đã cho kinh doanh casino, mắc mớ gì chúng ta cho Phú Quốc mà không cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong?".
Đại biểu Phạm Minh Chính :"Đây là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ, phải có những cái đặc biệt, vượt trội".
Ảnh: Nguyễn Nam
Đại biểu Phạm Minh Chính: "Đây là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ, phải có những cái đặc biệt, vượt trội". Đại biểu Phạm Minh Chính: "Đây là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ, phải có những cái đặc biệt, vượt trội".
Cùng mối băn khoăn này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho hay ông đã trao đổi với một số bộ, nhận thấy các bộ bị loại ra, không còn thẩm quyền giám sát kiểm tra các đặc khu.
"Đồng ý rằng đặc khu không cần phải tiếp các đoàn kiểm tra liên tục hằng năm nhưng vẫn phải chịu chung với các vấn đề mang tính quốc gia như môi trường. Anh Hà (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - PV) nói bộ có ý kiến gì về môi trường cũng không được" - ĐB Nghĩa phát biểu.
Vì vậy, ĐB Nghĩa cho rằng trưởng đặc khu được giao quyền đặc biệt nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm đặc biệt. Nhất là vừa qua, một số địa phương quyết định sai về cấp phép, môi trường đã phải kỷ luật cán bộ.
Theo ĐB Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, muốn QH thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ 5 thì ngay tại kỳ họp này phải thống nhất được mô hình chính quyền đặc khu để cơ quan soạn thảo và cơ quan giám sát tiếp thu, sửa đổi và hoàn chỉnh dự án luật. Nếu cứ mông lung chưa biết mô hình nào thì khó hoàn thành được.
Về cơ chế giám sát, để tránh tình trạng trưởng đặc khu lộng quyền, ĐB Thanh cho rằng không phải cứ có nhiều cơ quan giám sát là hiệu quả. Chỉ cần tập trung vào một đầu mối, chịu trách nhiệm giám sát ngay từ khâu phát hành văn bản của trưởng đặc khu là có thể "thổi còi" ngay khi phát hiện vấn đề.
Câu chuyện từ Singapore thay đổi tư duy
Đề cập vấn đề nóng là mở sòng bài tại đặc khu kinh tế, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TP HCM) băn khoăn nếu cả 3 đặc khu đều mở casino thì đây có phải là nguồn thu tiêu biểu không, đặc trưng riêng của từng đặc khu là gì, tính gắn kết và lan tỏa với kinh tế vùng ra sao.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết 3 đặc khu được xây dựng dựa vào thế mạnh riêng nên ngành nghề chủ đạo, trụ cột của 3 đặc khu có điểm khác nhau. Chỉ có ngành nghề du lịch, công nghiệp giải trí, trong đó có casino, trùng nhau, nhưng định hướng chung cho cả 3 đặc khu không phải phát triển để cạnh tranh lẫn nhau mà mục đích là cạnh tranh quốc tế.
Theo bộ trưởng, các nước trên thế giới đang đua nhau mở casino để thu hút dòng tiền vào. Chẳng hạn, Singapore đã thay đổi tư duy, cho mở casino nên tạo ra sức hút lớn đối với dòng tiền cờ bạc của thế giới, đóng góp rất lớn cho ngân sách.
"Chúng ta cũng nên thay đổi quan điểm. Cái gì có lợi mà không có hại thì không việc gì phải cấm, phải hạn chế. Cái gì phát huy được lợi thế của địa phương, phân chia thị phần của thế giới, nếu các tỉnh đều làm tốt, các đặc khu đều làm tốt thì chúng ta ủng hộ các đặc khu cùng làm… Nếu đã cho kinh doanh casino, mắc mớ gì chúng ta cho Phú Quốc mà không cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong" - bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cùng nhắc lại câu chuyện Singapore trong gần 50 năm không cho mở sòng bài, nay đã xây dựng casino lớn nhất châu Á và cho cả người dân bản địa vào chơi với điều kiện phải mua vé vào cửa với giá cao, ĐB Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) lưu ý Việt Nam cũng phải cân nhắc rất kỹ vấn đề này, vì nếu không cho người Việt vào chơi thì nhà đầu tư chưa chắc đã đầu tư vào đặc khu.
Không xin tiền, chỉ xin cơ chế
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết hiện nay, Quảng Ninh đã đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối lan tỏa cho đặc khu Vân Đồn với tỉnh Quảng Ninh và các địa phương khác. Quảng Ninh cũng đã chọn được nhà đầu tư chiến lược và đang trong quá trình chuẩn bị những bước thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàng rót vốn vào Vân Đồn, chỉ chờ cơ chế chính sách.
Về phía dư luận xã hội, kết quả trưng cầu ý kiến nhân dân cho thấy 99% người dân Quảng Ninh đồng ý thành lập đặc khu Vân Đồn. Như vậy, phải khẩn trương xây dựng đồng thời chuẩn bị văn bản hướng dẫn thi hành ngay từ bây giờ, nếu không sẽ chậm so với yêu cầu thực tiễn vì trong luật sẽ mở ra những cơ chế ưu đãi vượt trội chưa từng có. Hai là ban hành luật sau kỳ họp thứ 3 vì hiện 3 đặc khu đang chuẩn bị những bước thu hút nhà đầu tư, tránh lãng phí vì hiện Quảng Ninh có các nhà đầu tư đang chờ cơ chế chính sách để vào rồi. Quan điểm của Quảng Ninh là không xin tiền, chỉ xin cơ chế.
Giải thích lý do chỉ đề xuất thành lập 3 đặc khu trực thuộc cấp tỉnh thay vì trực thuộc trung ương, ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho biết đây là bài học thành công của thế giới. Chỉ nên làm từng bước chắc chắn, đến khi quy mô đặc khu mở rộng quá khả năng quản lý cấp tỉnh thì mới xin trực thuộc trung ương. Bài học thành công trên thế giới dựa vào có 8 điểm, trong đó quan trọng là cam kết cải cách mạnh mẽ từ bộ máy hành chính; ưu đãi riêng biệt, trao quyền tự chủ cao; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát triển công nghệ, kỹ thuật kết nối với ngành nghề của địa phương… Bài học thất bại từ Ấn Độ là do mở quá nhiều đặc khu (khoảng 400 đặc khu) khiến nguồn lực dàn trải không bứt phá được. Còn tại châu Phi thất bại là do không có luật, cơ chế chính sách không rõ ràng giữa đơn vị bình thường và đặc khu.
"Địa phương được chọn xây dựng đặc khu là trách nhiệm lịch sử, không êm đềm mà rất khó khăn. Đây là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ, phải có những cái đặc biệt, vượt trội. Bên cạnh việc xây dựng thể chế pháp luật thì cán bộ là khâu quyết định, phải chọn được người tài" - ĐB Phạm Minh Chính nhận định.
Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ trạm BOT
Sáng 10-11, với 84,93% tổng số ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Tại nghị quyết này, QH yêu cầu tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ QH về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Ảnh: TTXVN
QH yêu cầu rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội; hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng. Nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo QH.
Nghị quyết cũng nêu rõ phấn đấu thực hiện chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5%-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33%-34% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1%-1,3%...
V.Duẩn
Bình luận (0)