Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có 11 dự án thành phần, bao gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Dự án có tổng chiều dài 652 km, đi qua 13 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long).
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo (dài 12 km), đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 47,5 km). Đến nay, việc giải phóng mặt bằng dự án tại Bình Thuận đã hoàn thành, 5 khu tái định cư được xây dựng xong. Tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận là 12,621 triệu m3, đến nay đã giải quyết cơ bản.
Đất đắp nền là một trong những khó khăn được các nhà thầu đề cập khi thi công tuyến cao tốc. Ảnh: Thi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Tại buổi làm việc, một số nhà thầu cho rằng thủ tục cấp mỏ khoáng sản còn nhiều khó khăn khiến nguồn cung đất đắp nền cho dự án bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá vật liệu thời gian qua tăng mạnh khiến không ít đơn vị có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giảm giá đầu vào.
Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận - cho biết địa phương luôn tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật quy định để hỗ trợ tiến độ thi công cao tốc Bắc – Nam. Theo ông An, thời điểm một số dự án thành phần thiếu vật liệu đắp nền, HĐND tỉnh đã chủ động tổ chức họp để kịp thời đưa các mỏ vào quy hoạch, cấp phép theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, kịp thời phục vụ thi công dự án.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác phối hợp giải phóng mặt bằng tại các tỉnh có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai thi công.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng (đứng) phát biểu tại buổi làm việc
Theo ông Thanh, qua tổng hợp, hiện có khoảng 20 nhà thầu gửi đơn kiến nghị lùi thời gian kết thúc dự án. Một số nhà thầu thông tin đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khả năng cao hoàn thành đúng tiến độ cuối năm 2022; riêng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự báo khó kịp về đích trong năm nay.
Bên cạnh lý do khách quan ảnh hưởng dịch Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng qua khảo sát trên toàn tuyến từ tỉnh Ninh Bình đến Bình Thuận, vẫn còn công trường bỏ trống, lãng phí quỹ thời gian. Vì vậy, ông Thanh đề nghị Bộ GTVT làm rõ năng lực từng nhà thầu nhằm chấn chỉnh, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan trước khi báo cáo các kiến nghị đến Quốc hội trong kỳ họp tới.
Bình luận (0)