xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vận động cán bộ nghỉ hưu sớm ở TP HCM: Nên có sát hạch công chức

DIỆP VĂN SƠN

Sát hạch là để đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức, có tài hoặc loại khỏi tổ chức những người yếu kém nhằm nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước

Từ năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2007/NĐ-CP về tinh giản biên chế (TGBC). Nhưng sau 5 năm thực hiện, năm 2012, tổng số cán bộ, công chức (CBCC) từ trung ương đến cấp huyện tăng 42.000 người, cấp xã tăng 14.000 người.

Cứ tính chuyện giảm thì lại phình ra

Tổng biên chế cả nước năm 2013 cũng tăng hơn năm 2012. Đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện TGBC, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm tới 20%.

 Vận động cán bộ nghỉ hưu sớm ở TP HCM: Nên có sát hạch công chức - Ảnh 1.

TP HCM xây dựng đội ngũ công chức trẻ, năng động phục vụ người dân Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2014, Chính phủ lại có Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách TGBC. Dự tính sau 6 năm (từ 2014-2020) thực hiện TGBC khoảng 100.000 người (khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc), tổng kinh phí thực hiện chính sách này dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biên chế cứ tăng thêm là việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, từ đó sinh ra một bộ máy cồng kềnh, số lượng vào biên chế nhà nước ngày càng đông... Mặt khác, cấu trúc thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị bị trùng lắp, phát sinh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức có cùng chức năng cũng làm cho người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước trong hệ thống chính trị ngày càng tăng lên.

Qua thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP và 3 năm thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP thấy trong thực tế, có nhiều người đang làm tốt công việc mà chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng dựa vào quy định hiện hành đã xin nghỉ việc, lãnh cả trăm triệu đồng rồi chuyển sang làm việc ở khu vực khác. Trái lại, những người kém năng lực, không tìm được việc làm khác tốt hơn thì "cố thủ" trong khu vực nhà nước.

Cú hích nâng cao chất lượng đội ngũ

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX diễn ra từ ngày 4 đến 7-12, UBND TP đã trình HĐND TP Tờ trình về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo tính toán của UBND TP HCM, tổng kinh phí hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ nay đến năm 2021 là hơn 380 tỉ đồng.

Việc làm này của UBND TP là một cú hích trong vấn đề TGBC, sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy. Chính phủ đã có nhiều chế độ để khuyến khích CBCC nghỉ hưu trước tuổi. Việc trợ cấp thêm của TP ngoài mức quy định của Chính phủ đã tạo ra động lực cho những cán bộ không còn phù hợp với công việc. Bên cạnh đó, cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được trợ cấp cũng là tín hiệu mừng.

Để tránh những nhược điểm khi thực hiện Nghị định 132/CP và Nghị định 108/CP, TP HCM cần thực hiện tốt đề án "Xác định vị trí việc làm" là một trong những giải pháp của đề án TGBC. Qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó. Đây là giải pháp để góp phần TGBC. Ở đây, TGBC không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng người, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tuyển vào hệ thống công vụ những người đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của mỗi vị trí việc làm, như vậy mới gọi là tinh. Từ việc tổng hợp số người dư ra khi xác định vị trí việc làm cộng với số người nghỉ chế độ hằng năm cân đối với những đầu việc phát sinh trong quá trình phát triển nhất thiết phải có để xác định số biên chế tinh giản chứ không thể võ đoán đưa ra con số phải tinh giản bao nhiêu phần trăm như lâu nay vẫn làm.

Áp dụng các phương pháp đánh giá khoa học

Ngoài ra cần nhanh chóng xây dựng hệ thống phương pháp đánh giá mới về công chức. Nên chăng áp dụng các phương pháp khoa học như đánh giá theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra (Performance Management System - PMS). Đây là phương thức đánh giá mới đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng nhằm cải thiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, công chức và người đứng đầu. Hoặc cũng có thể bổ sung "Chế định sát hạch công chức". Chế định sát hạch này khác xa với việc kiểm điểm hằng năm hiện đang dùng. Sát hạch là để đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức, có tài hoặc loại khỏi tổ chức những người yếu kém nhằm nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần kiến nghị trung ương cho TP thí điểm thay thế chế độ biên chế bằng chế độ hợp đồng linh hoạt.

Sắp xếp lại bộ máy luôn là chuyện khó, vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề như thể chế bộ máy, chính sách xã hội… Muốn cắt giảm, trước tiên chúng ta phải xác định rõ ràng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. Bộ máy phải có chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cần bao nhiêu người đảm nhiệm… TGBC là xu thế khách quan nhưng trước hết cần tính minh bạch, tính hệ thống và tính đồng bộ. Phải xây dựng kỷ cương, kỷ luật, đánh giá công tâm, công khai tiêu chí, đối tượng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tránh nể nang, ngại va chạm thì mới có thể thực hiện được việc sắp xếp lại bộ máy để hoạt động hiệu quả, hiệu lực. 

Giữ nguyên biên chế hiện nay cho thấy chúng ta chưa có cách nào đụng được đến khối công chức khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức).

Đà Nẵng: Lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên

Ngày 6-12, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng tiếp tục phiên thảo luận và chất vấn ở hội trường tại phiên họp thứ 6, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021. Tại phiên thảo luận và chất vấn, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đang lên kế hoạch TGBC theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên hiện nay, Đà Nẵng đang tồn tại tình trạng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên ở một số sở, ban, ngành. Đây là thực trạng tồn tại trong cả hệ thống chứ không riêng Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ khắc phục tình trạng này và tuân thủ quy định một sở không quá 3 phó giám đốc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo