Thống kê của Sở Du lịch TP HCM cho thấy sản lượng du khách đi qua đường thủy 11 tháng đầu năm 2022 khoảng 340.000 khách, chiếm tỉ lệ rất thấp so với lượng khách du lịch tại TP HCM mặc dù khách du lịch đường thủy có nhu cầu, năng lực chi tiêu cao và khả năng khai thác tốt. Để kéo khách cho du lịch đường thủy, đại diện Sở Du lịch cho rằng thành phố cần hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng, có quy chế khai thác đất 2 bờ sông, có chính sách thu hút nhà đầu tư cùng chính sách hỗ trợ các nhà điều hành tour du lịch để kết nối khai thác những điểm đến.
Đồng quan điểm, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức, còn nhấn mạnh TP HCM đứng trước cơ hội lớn để sang trang mới cho vận tải đường thủy. "Kinh nghiệm của nhiều thành phố lớn trên thế giới cho thấy phát triển mạnh vận tải đường thủy đều theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Do đó, muốn giao thông thủy thành phố phát triển tốt cần tích hợp phát triển đô thị ven sông với hệ thống vận tải hành khách đường thủy. Để làm được điều này, nhất thiết phải đưa mô hình TOD vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM" - ông Tuấn nêu giải pháp.
Về nguồn vốn, PGS-TS Vũ Anh Tuấn cho rằng không khó, nhà nước chỉ cần có cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư như miễn, giảm thuế những năm đầu, hỗ trợ lãi vay mua tàu cho nhà đầu tư vì đặc thù giao thông thủy là thời gian thu lợi nhuận lâu hơn đường bộ. Trong khi đó, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP (doanh nghiệp khai thác nhiều tuyến vận tải đường thủy), kiến nghị thành phố cần sớm hoàn thiện các quy định về cho thuê đất hành lang sông rạch để doanh nghiệp được đầu tư và khai thác các dịch vụ hỗ trợ như đặt nhà vệ sinh, quầy ăn uống, gian hàng quà lưu niệm…
Với mong muốn đưa sản phẩm du lịch sông nước trở thành thế mạnh của TP HCM, nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất sớm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế đầu tư bến bãi trên hành lang sông rạch. Kế đến, TP HCM cần quan tâm hơn nữa trong việc cải tạo môi trường nước ở các tuyến kênh dễ dàng thu hút khách tham quan như Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường ghi nhận các ý kiến, đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp và sở, ngành. Ông cho hay sắp tới thành phố sẽ triển khai nhiều nhóm việc theo thứ tự ưu tiên gồm: Hoàn thiện quy hoạch chung thành phố tạo cơ sở hoàn tất quy hoạch bến bãi ven sông, kêu gọi nhà đầu tư khai thác; có cơ chế về giảm, miễn thuế để nhà đầu tư mua sắm phương tiện; cải tạo môi trường nước, nâng độ tĩnh không thông thuyền một số cầu thấp trên các tuyến sông, kênh… "Trước mắt là hoàn tất xây dựng cầu Nam Lý, nâng độ tĩnh không cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước 1, hoàn thành cống ngăn triều trong năm 2023" - ông Bùi Xuân Cường thông tin.
Bình luận (0)