Vương Quốc Trường là người dân tộc Nùng (SN 1986; ngụ thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) - một chàng trai không may bị hỏng đôi chân, phải đi lại bằng hai chiếc ghế gỗ nhỏ, với dáng đi như ngồi. Thế nhưng, Trường vẫn có thể làm được rất nhiều việc và trở thành tấm gương sáng ở huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Tuổi thơ ảm đạm
Là con út của gia đình nghèo có tới 5 anh chị em, từ lúc đi học lớp 1, Trường đã không may bị ngã gãy chân.
Cha Trường, ông Vàng Vản Chín, kể: "Cháu bị trượt ngã, tuy không mạnh nhưng gãy cả hai chân. Sau này, gia đình mới biết cháu bị bệnh xương thủy tinh cục bộ. Loại bệnh này chỉ cần va chạm hơi mạnh một chút là có thể gãy xương. Cũng may là cháu chỉ bị giòn xương chân, còn xương tay và các xương khác không sao. Từ lúc lên 7 cho đến khi 13 tuổi, Trường bị gãy chân tổng cộng 16 lần. Kết cục là phải bỏ học, mặc dù cháu là học sinh giỏi liên tục từ lớp 1 đến lớp 5 và rất ham học. Sau lần gãy thứ 16, chân của Trường không thể đi được. Từ đó, cháu phải đi lại bằng tay. Lúc đầu, Trường chống bàn tay xuống đất, đi như em bé tập bò. Sau đó, cháu tập đi bằng hai chiếc ghế gỗ nhỏ. Cứ ghế này dịch chuyển thì ghế kia để ngồi và ngược lại, mãi thành quen".
Vương Quốc Trường luôn chăm chút những chú thỏ bằng sự hào hứng đến đam mê
Nghe chuyện, tôi thương Trường đến thắt ruột. Vậy là tuổi thơ của em đã trôi đi trong sự đau đớn của thương tích và ảm đạm của tâm hồn. Em đâu được cùng các bạn tung tăng đến lớp, thỏa sức vui đùa các trò chơi con trẻ. Đó là sự thiệt thòi rất lớn đối với mỗi đứa trẻ, mãi mãi không có gì bù đắp được!
Tôi đang trò chuyện với ông Chín thì Trường về. Trên đầu cậu đội bó cỏ nhỏ cho đàn thỏ, hai tay cầm hai ghế gỗ, di chuyển theo thế "đi ngồi" sát mặt đất. Đôi chân Trường cong cong như hai sừng dê, vắt qua vắt lại như làm xiếc. Tôi vội chụp nhanh bức ảnh Trường trong tâm trạng xúc động xen lẫn cảm phục.
Nhìn hình ảnh Trường, tôi chợt nhớ lời anh Mai Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Quản Bạ: "Trường bị hỏng đôi chân, chỉ còn cái đầu và đôi tay nhưng cái gì cậu ấy cũng làm được. Không tin, đến mùa trồng hoặc thu hoạch rau, nhà báo lên đây mà xem cậu ta đội thúng cây rau giống, di chuyển bằng hai chiếc ghế gỗ, đôi tay trồng rau thoăn thoắt như múa. Khi thu hoạch rau cũng vậy, thúng rau đầy tú ụ, khi thì bắp cải, su hào, lúc thì súp lơ, cải thảo… mà chẳng bao giờ đổ hoặc rơi. Trông Trường cứ như người làm xiếc".
Nâng niu đàn thỏ
Dẫn tôi xuống thăm khu chuồng nuôi thỏ của mình, Trường kể: "Cháu là người đầu tiên ở xã Quyết Tiến nuôi giống thỏ New Zealand này đấy chú ạ. Cháu bắt đầu nuôi từ năm 2012. Thoạt đầu, cháu nhờ người chú bên vợ ở huyện Bắc Quang về Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi ở Sơn Tây (Hà Nội) mua giúp 10 con thỏ giống. Mới đầu chưa quen thấy cũng khó, thỉnh thoảng thỏ bị ốm, có con chết nhưng rồi cháu tìm đọc trên mạng những thông tin và kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand, cộng với liên hệ thực tiễn nên bây giờ đã biết cách chăm sóc chúng mau lớn, đẻ nhiều, ít dịch bệnh".
Vườn rau sạch mà vợ chồng Vương Quốc Trường rất tâm huyết
Trường nâng niu một chú thỏ trắng rồi tiếp: "Cháu rất yêu đàn thỏ của mình. Đợt này chú lên thăm, cháu chỉ còn 100 đôi thôi, vì vừa bán mấy trăm đôi rồi. Lúc nhiều nhất cháu có gần 500 đôi. Chủ yếu cháu bán thỏ giống. Giá cũng khá và dễ bán lắm. Thỏ con sau khi đẻ chừng 25 ngày là cháu tách mẹ. Tách được vài hôm là có thể bán cho khách hàng được rồi. Giá bình quân mỗi cặp thỏ giống khoảng 250.000 đồng. Người mua thỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Có người từ Vũng Tàu ra, người từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… lên, nhưng nhiều nhất vẫn là khách hàng ở các huyện trong tỉnh. Thỏ thịt cháu cũng có bán nhưng ít thôi, giá thỏ thịt 100.000 đồng/kg. Thỏ thịt chỉ cần nuôi 3 tháng là có thể xuất chuồng, trọng lượng trung bình 3 kg/con. Thỏ mẹ mắn đẻ lắm, mỗi con mẹ đẻ bình quân 6-7 lứa một năm, mỗi lứa trung bình 8 con, cá biệt có lứa 15 con. Giống thỏ này nhanh lớn, ít ốm đau bệnh tật, năng suất lại cao và bán được giá nên nhiều người thích nuôi".
Trường còn khoe với tôi là ở vùng này, thức ăn của thỏ cũng dễ kiếm, chủ yếu là rau, cỏ, củ, quả vườn nhà. Chuồng trại cũng không cầu kỳ quá. Rồi Trường quả quyết đây là loại vật nuôi phù hợp với vùng quê này và công việc không quá nặng nề với những người tàn tật như cậu.
"Thu nhập từ nuôi thỏ cũng khá. Năm nhiều nhất cháu thu gần trăm triệu đồng cơ đấy" - Trường hào hứng.
Cái lý của Vi
Vợ Trường là Hoàng Thị Vi, người dân tộc Tày, sinh năm 1985, quê ở xã Quang Minh của huyện Bắc Quang. Vi là con cả trong gia đình có 3 chị em.
Khi Vi quyết định gắn bó cuộc đời với Trường, không ít người phản đối với lời lẽ nghe rất hợp lý: Người lành lặn, trẻ đẹp như Vi lấy đâu chẳng được chồng mà lại lấy một người "đi ngồi" như vậy? Người lành lặn còn chả ăn ai, huống hồ là một người gãy hết cả hai chân như Trường?...
Nhưng Vi cũng có cái lý của mình. Một cái lý hết sức khác thường nhưng cũng rất hợp lý trong thực tế cuộc sống. Vi bảo: "Nếu ai cũng chê người què thì ai sẽ lấy anh ấy làm chồng? Người tàn tật như anh Trường đã rất thiệt thòi rồi, chả nhẽ lại để anh ấy ế vợ?".
Thế là Vi và Trường quyết vượt qua tất cả trở ngại để đến với nhau. Đám cưới của họ diễn ra năm 2012, với sự có mặt của rất nhiều anh chị em trong Hội Người khuyết tật huyện Quản Bạ, huyện Bắc Quang và nhiều nơi khác. Họ sống với nhau bằng tình yêu chân thành, bằng sự cảm thông và cả sự quyết tâm rất lớn.
Hôm tôi đến thăm, Vi tâm sự: "Chồng cháu tàn tật nhưng anh ấy giỏi lắm, lại chịu khó nữa. Những việc thông thường người khác làm được thì gần như nhà cháu cũng làm được. Anh ấy rất thương vợ và chí thú làm ăn, hơn hẳn một số thanh niên lành lặn khác nhưng chỉ mải chơi bời lêu lổng. Cháu không hối tiếc gì khi lấy anh ấy. Có buồn chăng là ở chỗ cháu hai lần mang thai đều hỏng cả. Chưa rõ nguyên nhân tại sao nhưng hình như hai vợ chồng cháu có cùng nhóm máu, lại cùng gien gì đấy. Là cháu nghe người ta đồn đại thế!".
Vương Quốc Trường bày tỏ: "Những việc thông thường cháu đều làm được, tất nhiên là vất vả hơn người lành rất nhiều. Có việc mới đầu rất khó khăn nhưng làm mãi rồi cũng quen. Được cái, cháu có tính kiên trì và không muốn ỷ lại vào người khác nên mọi chuyện cũng ổn thỏa".
Những câu hỏi day dứt
Nhìn Hoàng Thị Vi gầy khô, tôi thấy thật xót lòng. Tôi đặt ra những câu hỏi từ trong cõi thẳm sâu, rằng tại sao "ông trời" không thương những phận người như Vi và Trường? Tại sao đấng tạo hóa không ban những đứa con đẹp đẽ và khỏe mạnh để cuộc đời họ đỡ buồn tủi? Họ có tội tình gì mà phải gánh chịu hết thiệt thòi này đến thiệt thòi khác trong khi đã sống tốt với đời? Có ai có thể giúp họ san bớt được gánh nhọc nhằn này không?
Những câu hỏi day dứt đó cứ bám theo tôi dọc nẻo đường về!
Bình luận (0)