Đây là vấn đề được mổ xẻ nhiều tại một buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của CĐ mới đây. Trong khi hầu hết các ý kiến đồng tình việc chủ tịch CĐ nên là một quản lý có uy tín tại doanh nghiệp thì chị H. lại cho rằng việc chủ tịch CĐ là quản lý, nhất là vị trí trưởng phòng nhân sự, sẽ gặp phải nhiều chuyện khó xử. Chị H. vốn là trưởng phòng nhân sự, đồng thời cũng là chủ tịch CĐ công ty hơn một nhiệm kỳ.
Lý giải việc này, chị H. cho biết thời gian đầu chị trúng cử vai trò chủ tịch CĐ, chị gặp phải rất nhiều khó khăn, trước tiên là làm sao để NLĐ tin tưởng mình. Dù đoàn viên tự nguyện bỏ phiếu bầu cho chị nhưng ngay từ đầu họ vẫn chưa thật sự tin tưởng vào người mình đã bầu chọn. Chị H. chia sẻ: "Dù CĐ công ty năm nào cũng là CĐ cơ sở vững mạnh, đi đầu về hoạt động phong trào, được CĐ cấp trên khen nhưng không ít lần tôi vô tình nghe NLĐ nói với nhau "CĐ cũng là người của ông chủ nên sẽ theo phe ông chủ", nhất là sau những lần NLĐ bị kỷ luật mà CĐ không đứng về phía họ. Mỗi lần nghe điều đó, tôi đều thấy buồn. Tôi biết trách nhiệm của CĐ là bảo vệ đoàn viên của mình nhưng khi NLĐ lấy cắp tài sản của công ty hay vi phạm nội quy lao động thì làm sao mà bảo vệ?".
Chị kể đỉnh điểm có lần sau khi bị đuổi việc vì lấy cắp tài sản của công ty, NLĐ ấy đã nói với các công nhân khác chỉ vì lấy một cái áo bị lỗi mà CĐ hùa với ông chủ kiếm cớ đuổi việc mình. "Tôi thực sự băn khoăn vì sao sau gần một nhiệm kỳ làm chủ tịch CĐ, NLĐ vẫn xem tôi như một quản lý chứ không phải người đồng hành cùng với họ. Lúc ấy tôi cũng nản và nghĩ hay là mình thôi làm CĐ đi nhưng các anh chị cán bộ CĐ cấp trên khuyên tôi nên thử thay đổi cách làm. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định thử thách".
Trước hết, chị H. cải tổ lại hoạt động của CĐ, chia nhỏ tổ CĐ và khuyến khích công nhân ứng cử tổ trưởng tổ CĐ. Mỗi tuần, ban chấp hành sẽ dành 10 phút trước giờ làm việc vào sáng thứ hai để gặp gỡ đoàn viên tại một chuyền, một bộ phận để lấy ý kiến và trao đổi về những thắc mắc của họ. Những lần ban chấp hành CĐ họp với ban giám đốc, CĐ đều xin phép để vài đoàn viên được dự họp cùng với CĐ và công khai kết quả trên bản tin. "Trước đây, vì công việc của tôi bận rộn nên việc thăm hỏi đoàn viên ốm đau tôi giao cho các bạn khác nhưng sau này, dù bận mấy, tôi đều cố gắng đi. Nếu thực sự không đi được thì tôi sẽ gọi điện hỏi thăm và xin lỗi vì không thể tự tay trao quà của CĐ cho họ. Sau tất cả những điều ấy, tôi nhận thấy thái độ của NLĐ đã khác. Họ cởi mở hơn với CĐ, gặp khó khăn cũng sẽ tự đến tìm CĐ xin hỗ trợ. Đặc biệt, lâu rồi, tôi không nghe thấy cụm từ "Chủ tịch CĐ là người của ông chủ nữa" - chị H kể.
Bình luận (0)