Ngày 28-11, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, cho biết ông đã gọi điện cho PGS-TS Lê Cung yêu cầu cải chính, rút tên ông ra khỏi danh sách 12 người trong kiến nghị, đồng thời xác nhận ông đã gọi điện cho một số lãnh đạo HĐND TP Đà Nẵng để khẳng định mình không tham gia vào bản kiến nghị.
Không phải chuyên môn
Theo ông Dũng, ngày 19-10, ông nhận được email của ông Cung về nội dung Đà Nẵng lấy ý kiến đóng góp đặt tên đường và mời tham gia ký tên vào bản kiến nghị. Hôm sau, ông phản hồi, từ chối tham gia góp ý vì sử học không phải chuyên môn của mình.
PGS-TS Trương Công Huỳnh Kỳ, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, cũng khẳng định ông không ký vào bản kiến nghị vì không tham gia thảo luận nội dung. "Có một thành viên trong nhóm này chuyển bản kiến nghị cho tôi qua email và tôi đã trả lời không tham gia. Sau đó, tôi có gặp thầy Cung và một lần nữa khẳng định không tham gia kiến nghị. Họ tự điền tên mình vào thôi. Tôi sẽ có ý kiến việc mình có tên vào danh sách với đại diện TP Đà Nẵng" - ông Kỳ nói.
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế, cũng cho biết: "Thầy Cung có gửi bản kiến nghị và hỏi tôi có đồng ý với bản kiến nghị đó không? Tôi trả lời là nếu như những lập luận đó đúng, chính xác, phản ánh đúng với lịch sử, đúng khoa học, vì tinh thần của sự phát triển, không vì mục đích mưu đồ gì thì đồng ý với thầy".
Phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Cung nhiều lần nhưng ông chỉ nhắn tin: "Đề nghị đọc bản kiến nghị. Về TS Dũng (PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - PV) hơi bị dài". Chúng tôi đề nghị được gặp để trao đổi nhưng vẫn chưa được ông Cung phản hồi.
"Có hiểu biết thì không thể im lặng"
Trong lúc đó, cùng có tên trong kiến nghị, PGS-TS Trần Thuận, nguyên Phó Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), khẳng định ông đã ký tên vào bản kiến nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng không lấy tên 2 giáo sĩ Francisco De Pina, Alexandre de Rhodes vào đề án đặt tên đường. Ông Thuận nói dư luận nghi ngờ ông Cung đưa tên ông vào bản kiến nghị mà không hỏi ý kiến ông là không chính xác.
Ông Thuận lập luận sở dĩ không đồng tình đưa tên 2 giáo sĩ này để đặt tên đường không phải là phủ nhận công lao của họ trong đóng góp cho sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, mà vì 2 vị này không phải là người sáng tạo hoàn toàn, không phải là ông tổ của chữ Quốc ngữ Việt Nam. Bởi bên cạnh họ, trước và sau đó đều có nhiều người đóng góp không nhỏ vào quá trình đó.
Theo ông Thuận, trước khi Alexandre de Rhodes soạn Từ điển Việt - Bồ - La đã có nhiều công trình của những người khác, trong đó có Pina. Sau khi Pina mất, Alexandre de Rhodes (đến Đàng Trong năm 1624) tiếp quản tất cả di cảo của thầy và năm 1626 mang về Macau. Bấy giờ, tại Macau có 2 giáo sĩ cũng chăm chú nghiên cứu chữ Quốc ngữ và đã soạn thảo 2 cuốn Từ điển Việt - Bồ - La và Bồ - Việt là Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Đáng tiếc là hai ông qua đời vào năm 1646 và 1647 khi công trình của họ chưa kịp công bố. Trong lời nói đầu cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của mình, Alexandre de Rhodes cũng đã nhắc đến việc "tham khảo" tài liệu của 2 giáo sĩ trên. Như vậy, để hoàn thành cuốn Từ điển Việt - Bồ - La, Alexandre de Rhodes thừa hưởng và tập hợp những thành quả của những người đi trước đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Ông Thuận kết luận: "Alexandre de Rhodes là người có công trong việc hệ thống hóa chữ Quốc ngữ, khi đã có và làm cơ sở cho sự phát triển sau này. Song, xem Alexandre de Rhodes là ông tổ hoặc như ông tổ chữ Quốc ngữ là không đúng, chưa đủ thuyết phục để chọn đặt tên đường".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Thừa Thiên - Huế) cũng khẳng định ông tham gia trong bản kiến nghị vì 3 lý do: Thứ nhất, Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tác ra chữ Quốc ngữ (đầu tiên gọi là chữ Âu). Đầu tiên nó là phương tiện để các vị linh mục trước đó đã dùng ghi âm tiếng Việt để truyền giáo, giúp người Việt hiểu nhanh về đạo Thiên Chúa giáo. Hầu như không có bất cứ chi tiết nào phục vụ cho văn hóa Việt Nam. Thứ hai, sách của ông Alexandre de Rhodes viết đã "mạ lị" những người "Tam giáo đồng nguyên Việt Nam", trong đó có Phật giáo. Thứ ba, chữ Quốc ngữ ông Alexandre de Rhodes đặt ra đó không phải là chữ Quốc ngữ mà là chữ Âu, phương tiện truyền giáo. Dân tộc Việt Nam có truyền thống "lấy địch đánh địch’’. Người Việt đã sử dụng cái mình bị thực dân Pháp sử dụng áp đặt vào thành phương tiện là chữ Quốc ngữ cho đất nước. Trong đó, những người có công rất lớn như Phạm Quỳnh với tạp chí Nam Phong. Người biến chữ Việt thô sơ đó ra chữ văn học, thể hiện tinh thần mới của mình là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) với Tự lực Văn đoàn.
"Tức là người Việt đã sử dụng vốn Hán Việt để diễn đạt cái tư tưởng của mình mới có chữ Quốc ngữ hiện nay, chứ không phải chữ Quốc ngữ có từ thời ông Alexandre de Rhodes truyền tới bây giờ. Chữ của ông này không có mục đích phục vụ cho văn hóa Việt Nam. Cái này các thế hệ trước đã biết rồi, chuyện xong rồi nên để yên lặng. Huế từng đặt tên đường của ông nhưng đã gỡ bỏ từ trước năm 1975" - ông Xuân nhấn mạnh.
TP Đà Nẵng với nhiều tuyến đường khang trang. Ảnh: BÍCH VÂN
Tiếp tục nghiên cứu
Cùng ngày, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết kỳ họp HĐND TP sắp tới diễn ra vào đầu tháng 12 sẽ không đưa tên 2 giáo sĩ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes (Pháp) vào đề án đặt, đổi tên đường do đang có nhiều ý kiến trái chiều; TP sẽ tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến, nếu được sẽ thông qua ở các kỳ họp sau.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng, thông tin đã tiếp nhận các ý kiến ủng hộ và phản đối qua các kênh như thư tay, điện thoại, website của sở.
Ông Hùng cho biết theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ (về việc ban hành quy chế đặt, đổi tên đường) quy định đối với những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng. Chính vì thế, Sở VH-TT TP Đà Nẵng dừng việc lấy tên 2 giáo sĩ trên đặt tên đường mà sẽ tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến. Ông Hùng cũng cho rằng đối với những ý kiến phản đối việc lấy tên 2 giáo sĩ trên vào đề án đặt tên đường là "hoàn toàn không thuyết phục", vì họ có công rất lớn trong quá trình tạo ra chữ Quốc ngữ, góp phần giúp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Cùng ngày, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cho biết sở này chưa nhận được thỉnh nguyện của nhóm nhân sĩ từ TP HCM.
PGS-TS PHẠM MAI HÙNG, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Hà Nội từng có bia tưởng niệm Alexandre de Rhodes
Ở chính vị trí tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của Hà Nội hiện nay, trước kia là bia tưởng niệm ghi nhớ công ơn của Alexandre de Rhodes - một trong những người có công lớn mang lại chữ viết hiện nay cho người Việt Nam. Người khởi xướng và đứng ra dựng bia là nhân sĩ Nguyễn Văn Tố (1889-1947), làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1938, Nguyễn Văn Tố cùng một số trí thức lập ra Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tạo nên một phong trào học chữ Quốc ngữ rộng khắp trong cả nước.
Alexandre de Rhodes là một nhà văn hóa, vì thế quy kết rằng thực dân Pháp muốn người dân thuộc địa biết ơn mẫu quốc đã có công "khai hóa" nên tôn vinh Alexandre de Rhodes là người sáng tác chữ Quốc ngữ là không đúng. Đánh giá nhân vật lịch sử đều phải dựa vào công trạng. Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là những người có công lớn tạo ra tiếng Việt hôm nay, đó là một thành tựu về khoa học và văn hóa. Nhiều quốc gia muốn chuyển ngôn ngữ sang tiếng Latin mà không được, như Nhật hay Trung Quốc chẳng hạn. Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên chuyển ngôn ngữ sang tiếng Latin.
TP HCM có đường Alexandre de Rhodes, Hà Nội cũng từng dựng tượng ông. Một trong những ưu tiên khi đặt tên đường phố là các nhân vật lịch sử, văn hóa có cống hiến cho đất nước. Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina là những người có công với nước ta, không nên địa phương hóa và cứng nhắc khi đặt tên đường phố.
Y.Anh ghi
Bình luận (0)