Khi còn học phổ thông, tôi chỉ biết Hà Giang là tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Lớn lên chút nữa, tôi biết không chỉ núi non hùng vĩ, Hà Giang còn có cột cờ Lũng Cú ghi dấu biên giới cuối cùng trên mũi nhọn bản đồ đất nước. Tự lúc nào, tôi mơ một ngày đặt chân lên vùng đất biên cương Tổ quốc. Và nay thì tôi đã thực hiện được mơ ước của mình.
Như bức tranh thủy mặc
Xe đưa chúng tôi rời Hà Nội vào một sáng mùa thu nắng ấm. Đường từ Hà Nội lên tới TP Hà Giang khoảng 320 km. Càng lên cao, khí hậu càng trong lành và se lạnh như đang hướng lên TP Đà Lạt. Đường đến Hà Giang xuyên qua vùng trung du rồi uốn lượn lên núi cao. Những dãy núi xuất hiện liên tục ven đường, trên triền rải rác những cây cọ rồi rừng cọ với tán lá xòe rộng, dưới bóng cọ là những mái nhà lúp xúp.
Chúng tôi ghé Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên cách TP Hà Giang 18 km về phía Bắc. Đây là nơi chôn cất hơn 3.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược. Nghĩa trang được xây dựng năm 1990, là nghĩa trang cấp quốc gia. Nghĩa trang này còn ghi rõ ngày 12-7-1984 được lấy làm ngày giỗ của Sư đoàn Bộ binh 356 vì có hơn 600 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu chống quân Trung quốc xâm lược trên cao điểm núi Đất tại mặt trận Thanh Thủy - Vị Xuyên. Đứng trước vong linh các anh, lòng tôi xao xuyến với những câu thơ của Mặc Giang trong bài "Âm vang hồn tử sĩ: "… Tôi đến thăm anh nghe tiếng nói tuyền đài/Hồn tử sĩ vi vu theo hồn thiêng dân tộc/Thịt da anh trả về cho đất/Máu xương anh trả lại núi sông/Tôi đến thăm anh/Một buổi chiều hè mà sao giống chiều đông/Trong lành lạnh tâm can/Trong tro bụi điêu tàn/Còn lại nét âm vang, hồn tử sĩ".
Đèo Mã Pì Lèng với nhiều khúc quanh uốn lượn
Bùi ngùi chia tay các anh, chúng tôi tiếp tục lên đường, theo Quốc lộ 4C từ TP Hà Giang. Đường không còn rộng như Quốc lộ 2. Đồi núi chập chùng, dọc bên trái rồi bên phải là dòng sông Lô ngoằn ngoèo có lúc soi hình núi tạo nên những bức tranh thủy mặc dưới ánh tà dương trông rất nên thơ.
Đường đi mở ra hai bên vách núi cao chất ngất, càng đi càng heo hút. Những mái nhà rải rác trên triền núi. Rồi đường đi bắt đầu ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, vắt ngang những ngọn núi tai mèo cao vút trên cao nguyên đá, có lúc lọt thỏm giữa những hẻm núi sâu, nhìn lên thấy vách đá dựng đứng như cao tận trời xanh, có lúc chênh vênh giữa đỉnh trời nhìn xuống những thung lũng lởm chởm đá thấy rợn người. Rồi đường bỗng vút lên cao, vòng cua khúc khuỷu ở đèo Pắc Sum, huyện Quản Bạ.
Tên "cổng trời" có lẽ bắt nguồn từ địa thế ở đỉnh đèo Pắc Sum. Lên đến đỉnh đèo, tầm nhìn mở ra phía trước là một thung lũng bao la, chân trời rộng mở như bước vào thế giới thần tiên. Tại vị trí cổng trời, năm 1939 người Pháp đã xây một bức tường đá và một cánh cửa gỗ dày án ngữ cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn, với ý đồ chia tách vùng đất này ra khỏi miền Bắc nước ta thành vương quốc của người Mèo. Nơi đây còn có cả câu chuyện lịch sử về triều đại vua Mèo Hoàng Chí Sình mà nhà văn Ngôn Vĩnh đã viết trong cuốn sách "Bên kia cổng trời", xuất bản những năm 1980.
Tại một ngã ba có tấm biển ghi chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh là cổng trời Quản Bạ, có đường mòn dựng đứng rẽ về bên trái. Từ đây, xe phải dừng lại dưới chân ngọn núi nhỏ. Chúng tôi leo hàng trăm bậc thang để tới một căn nhà gọi là "nhà mát" hình lục giác. Ai cũng ồ lên đầy ngạc nhiên vì trước mặt mình là một khoảng trời bao la, dưới chân là thung lũng trải dài và núi Đôi như 2 bầu sữa mẹ vươn cao. Phía dưới là thị trấn Tam Sơn với những mái nhà ngói đỏ lúp xúp. Khói lam chiều quyện trong gió tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, thần tiên, cho cảm giác thoát tục.
Cột mốc số 0 tại TP Hà Giang (Quốc lộ 2 Hà Giang - Hà Nội).
Qua khỏi cổng trời, chúng tôi đi vào trung tâm cao nguyên đá Đồng Văn. Khắp nơi, từ trái sang phải, phía sau và trước mặt đều chập chùng núi đá xen lẫn lơ thơ vài vạt cỏ dại. Nhiều nơi, bãi đá xanh xen lẫn đá đen trơ trọi tạo nên những hình thù kỳ dị kích thích trí tưởng tượng. Thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng. Càng đi tới, đèo núi càng chập chùng, đường uốn lượn như rắn bò.
Qua khỏi nơi này là bắt đầu nhìn thấy rải rác những ruộng hoa tam giác mạch ven đường. Bây giờ, mới cuối tháng 9, hoa chưa chín rộ nên chỉ thấy màu trắng phơn phớt hồng chứ chưa đỏ rực. Loài hoa này là biểu trưng của vùng đất Hà Giang, xưa mọc hoang dại, người H’Mông lấy hạt nấu cháo, làm bánh… nhưng do năng suất thấp nên nay được trồng làm cảnh là chính. Càng đi tiếp, những bãi hoa tam giác mạch càng nhiều.
Nguyên vẹn sau bao thăng trầm
Hơn 10 giờ sáng, chúng tôi ghé vào thăm làng văn hóa Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) trong một thung lũng thơ mộng có 61 hộ dân sinh sống. Nơi đây có nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn, có nhà đã trên 100 năm, lợp ngói âm dương với những lớp rêu xanh bám đầy, vách đất và hàng rào đá xung quanh. Ngôi nhà lớn nhất ở đây đã từng được chọn làm bối cảnh cho phim "Chuyện của Pao", là phim đoạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Chúng tôi đến tham quan dinh thự vua Mèo ở xã Xả Phìn - một điểm di tích lịch sử mà các tour du lịch luôn có trong chương trình vì được xem như viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá và được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Dinh thự xây trên một quả đồi, bao quanh bằng những cây sa mộc to hàng trăm năm. Gỗ dùng xây cất dinh thự đều là gỗ quý, 2 tầng mái lợp ngói âm dương, được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo đó là câu chuyện lịch sử hấp dẫn. Dinh thự có nhiều gian lưu giữ dụng cụ sinh hoạt của vua Mèo.
Tiếng hồn thiêng sông núi
Sau khi tham quan dinh thự vua Mèo, chúng tôi lên đường đi Lũng Cú, chặng đường 26 km cũng với đèo núi chập chùng. Xe dừng ở chân núi, chúng tôi phải đi xe ôm 1,5 km lượn vòng quanh để đến đường lên cột cờ, từ đó leo lên 389 bậc thang đến chân cột rồi thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột để lên đỉnh, nơi lá cờ to diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Quên hết mệt nhọc, tôi dang rộng hai tay hét to "Tổ quốc Việt Nam muôn năm". Tiếng lá cờ bay reo phần phật như tiếng hồn thiêng sông núi, lòng lâng lâng khó tả.
Chúng tôi chen nhau tìm chỗ chụp ảnh. Kiểu ảnh khó nhất phải có là tự tay nắm lá cờ. Muốn chụp được thì phải đợi 5-10 phút khi dịu cơn gió lá cờ mới hạ xuống cho ta nắm lấy, rồi ai cũng chụp được vài kiểu ảnh như vậy. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn về phía Bắc, Đông và Tây, một vành đai núi mà phía bên kia là đất của Trung Quốc, phía bên này là đất của ta.
Dinh vua Mèo Hoàng Chí Chí Sình nhìn từ trên đường núi cao xuống
Rời Lũng Cú về thị trấn Đồng Văn, rồi qua huyện Mèo Vạc, chúng tôi đi trên đường mang tên Hạnh Phúc, có đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là "đệ nhất hùng quan". Đây là cung đèo nguy hiểm bậc nhất ở vùng núi xa xôi cực Bắc nước ta, được ví là vua của các con đèo ở Việt Nam. Để làm được con đường này, hàng chục ngàn nhân công của các tỉnh biên giới phía Bắc phải ngày đêm miệt mài đục đá, cảm tử treo mình trên vách đá cheo leo. Thị trấn Mèo Vạc không sầm uất bằng thị trấn Đồng Văn nhưng trục đường chính rộng thoáng, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, có công viên nhỏ với hàng cây hoa ban đang nở trái mùa.
Hằng năm, vào giữa tháng 10 dương lịch, tỉnh Hà Giang thường tổ chức Lễ hội Hoa tam giác mạch để tôn vinh vẻ đẹp loài hoa đặc trưng của vùng đất này và thu hút khách du lịch.
9 khúc quanh uốn lượn
Đèo Mã Pì Lèng có 9 khúc quanh uốn lượn, vách đá dựng đứng, đỉnh có độ cao trên 2.000 m so mực nước biển, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút. Dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc chảy sang, từ trên cao nhìn xuống như một dải lụa xanh xẻ đôi dãy núi.
Đứng giữa đèo lộng gió, lòng tôi lâng lâng khó tả, cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên, ý chí của con người. Khó có thể lột tả được cái trùng điệp của núi cao, đá dựng, cái xanh thẳm của mây trời, tưởng chừng như "chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi".
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)