Sáng 5-9, con tàu khai thác cá ngừ đại dương PY-90144-TS của thuyền trưởng Lương Công Xuyên cập cảng Đông Tác để "nghỉ trăng" (nghỉ vì trăng sáng khai thác không hiệu quả). Việc đầu tiên mà vị thuyền trưởng 44 tuổi ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, làm sau khi đã chằng néo thuyền vào bến đỗ là vội trèo lên cột cờ để thu lại lá cờ được Báo Người Lao Động trao tặng từ Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (viết tắt là Chương trình), xếp cẩn thận vào chiếc hộp gỗ trên tàu.
Nâng niu, cảm phục
"Ở bến này ai cũng vậy thôi. Về bến là thu xếp cờ ngay, để dành đi chuyến sau. Tôi được Báo Người Lao Động tặng 10 lá cờ và 1 túi thuốc y tế. Giữ cẩn thận lắm. Mỗi lá cờ mình đi được 2 chuyến biển (trung bình 1 tháng/chuyến) mới thay" - thuyền trưởng Lương Công Xuyên nói.
Bên kia cửa sông Đà Rằng, ông Phan Thuẩn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - mở nắp rương, cẩn thận lấy ra lá 1 cờ Tổ quốc trong số Quốc kỳ được Báo Người Lao Động trao hôm 11-6 vừa qua, đưa vợ ủi cho phẳng phiu, chuẩn bị qua con trăng để đưa con trai thay lá cờ đã bạc màu, ra khơi. Ông bảo ông không nghĩ một tờ báo lại có thể thực hiện được chương trình to lớn và ý nghĩa như "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Một triệu không phải là con số nhỏ nhưng hơn hết đó là sức lan tỏa của nó. "Bây giờ mà hỏi mỗi ngư dân ở Phú Yên lá cờ mà họ treo trên tàu là từ đâu, họ sẽ nói ngay là được trao tặng từ Báo Người Lao Động" - ông Phan Thuẩn nói thêm.
Hơn 3 năm gắn bó với Chương trình, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (tàu cá KH-99766-TS; ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vẫn nhớ như in hình ảnh các phóng viên Báo Người Lao Động gần nửa tháng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" trên thuyền cùng anh em ông ở ngư trường Trường Sa để thực hiện Chương trình. Ấn tượng nhất là các phóng viên bình thường thì ói mửa, nằm sấp mặt một chỗ nhưng khi tác nghiệp thì ai cũng nhanh nhẹn, quên đi mệt nhọc để đưa những hình ảnh sống động nhất của ngư dân trên biển. "Để bây giờ hơn 3 năm qua, Chương trình đã để lại ấn tượng với những ngư dân như chúng tôi. Tôi cầm biểu trưng của Chương trình cùng hình ảnh được trao tặng Quốc kỳ giữa biển khơi mà không thôi xúc động, tự hào vì đã góp một phần nhỏ trong chương trình ý nghĩa này" - ông Thạch bộc bạch.
Gặp lại sau gần 1 năm rưỡi (kể từ lúc dự chương trình tổ chức tại TP Đà Nẵng, ngày 12-4-2021), thuyền trưởng Phạm Hùng (trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết Chương trình đã tạo chuyển biến tích cực đối với ông và các bạn thuyền trong tổ đại đoàn kết. "Qua chương trình, ngư dân chúng tôi hiểu rõ tình cảm và sự động viên của Báo Người Lao Động, cũng như toàn xã hội đối với công việc đánh bắt vốn đã rất vất vả của ngư dân" - thuyền trưởng Hùng nói.
Thêm niềm tin, động lực
Chia sẻ với chúng tôi sau 2 năm gặp lại, ngư dân Nguyễn Văn Quang, chủ tàu cá QNg 96095TS (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nói những lá cờ mà Báo Người Lao Động trao tặng thực sự đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho bản thân ông và bạn thuyền. "Từ khi được nhận cờ, chúng tôi vững tin và quyết tâm giữ bằng được ngư trường truyền thống hàng trăm năm qua" - ông Quang nói.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Khánh Hòa tại cảng cá Hòn Rớ Ảnh: KỲ NAM
Trong khi đó, khi nhận được cờ Tổ quốc của Chương trình vào cuối tháng 8 vừa qua, ngư dân Đỗ Thanh Tòng (ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã trang trọng treo ngay lá cờ Tổ quốc mới vừa nhận được lên mũi tàu. "Trong mỗi chuyến ra khơi, cờ Tổ quốc không chỉ là cờ hiệu, thể hiện đây là tàu Việt Nam mà còn giúp chúng tôi đồng lòng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Nhìn cờ Tổ quốc, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục tham gia lao động, đánh bắt" - ngư dân Đỗ Thanh Tòng xúc động nói.
Ngư dân Lê Trung Lợi (ngụ xã Quảng Phú, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bồi hồi: "Những lúc khó khăn nhất đối với ngư dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung như: giá dầu leo thang, giá hải sản xuống thấp, nhiều lao động biển bỏ nghề… khiến việc ra khơi của ngư dân chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Ngay những thời điểm ấy, Báo Người Lao Động đã về tận nơi trao cờ Tổ quốc cho bà con. Đây là món quà động viên tinh thần ý nghĩa, tiếp thêm sức mạnh, động lực để bà con ngư dân quyết tâm ra khơi bám biển, không chỉ phát triển kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam".
Nhớ lại buổi nhận cờ Tổ quốc vào ngày 12-4-2021 tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, thuyền trưởng tàu ĐNa 90679TS Trương Minh Hoàng (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết cờ Tổ quốc được trao tay ngay trước khi thuyền ông chuẩn bị ra Hoàng Sa đánh bắt. Chuyến biển ấy kéo dài gần 20 ngày, bội thu cá ngừ và nhiều loại tôm, mực. Bên cạnh yếu tố thời tiết và kỹ thuật, thuyền trưởng Hoàng cho hay năng suất lớn một phần nhờ tinh thần của bạn thuyền lên cao. "Ai cũng phấn khởi vì vừa được tặng cờ Tổ quốc, được các cấp ghi nhận nên toàn thuyền đánh bắt với 200% năng lực" - thuyền trưởng Trương Minh Hoàng cười tươi nói.
Đang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra biển, thuyền trưởng Nguyễn Văn Nam (ngụ thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tự hào khi là 1 trong 10 ngư dân tiêu biểu được nhận lá cờ đặc biệt do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Chương trình để tặng lại ngư dân. "Cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, tôi cảm thấy Tổ quốc như bên mình. Qua đó càng vững tin bám biển, bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Nguyễn Văn Nam nói.
Ngư dân Dương Hữu Thuận (ngụ phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cắm cờ Tổ quốc được trao tặng từ Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” để chuẩn bị ra khơi Ảnh: DUY NHÂN
Thấy rõ sự kỳ vọng
Cũng nằm trong số 10 ngư dân tiêu biểu được nhận những lá cờ từ Chương trình, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hòa (ngụ thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay những ngư dân như ông không chỉ tự hào khi nhận được những lá cờ Tổ quốc từ Chương trình, mà qua đó mỗi cá nhân tự nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với lãnh hải của quốc gia. "Ngoài việc đánh bắt hải sản phát triển kinh tế, mỗi ngư dân chúng tôi luôn ý thức được rằng mình đang góp một phần công sức vào việc bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc" - ngư dân Nguyễn Văn Hòa tự hào cho biết.
Ở miền Tây Nam Bộ, vừa gặp lại chúng tôi, chủ tàu Dương Hữu Thuận (ngụ phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) - là một trong những người đại diện cho ngư dân Bạc Liêu tham dự lễ khởi động Chương trình được tổ chức tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) ngày 1-6-2019 - nói đã hơn 3 năm rồi nhưng ông vẫn không quên buổi sáng hôm ấy. Đó là lần đầu tiên trong đời làm ngư dân, ông vinh dự được ông Trịnh Đình Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng - NV) tận tay trao cờ. "Tôi nhận cờ và cảm nhận rất rõ lời nhắn nhủ phải vững niềm tin bám biển vì trách nhiệm thiêng liêng và phía sau chúng tôi là nhân dân, là Tổ quốc" - ông Thuận thổ lộ.
Ở nơi xa xôi tận cùng Tổ quốc, ngư dân Nguyễn Văn Định (ngụ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), người đã có hơn 30 năm bám biển, chia sẻ rằng Chương trình đã làm cho ông thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Ông Định cho biết trước khi đón nhận những lá cờ Tổ quốc đầy ý nghĩa của Chương trình, ông thật sự không còn động lực để vươn khơi. Bởi lúc đó, ông thấy nghề ngư dân quá cực nhọc. "Thế nhưng, khi cầm trên tay những lá cờ Tổ quốc của Chương trình trao tặng, tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự quan tâm của xã hội dành cho ngư dân thật lớn lao. Tôi bắt đầu hiểu rằng dẫu có khó khăn nhưng Tổ quốc đang cần chúng tôi và nghề ngư dân được xã hội xem trọng. Điều này thật sự cần thiết và rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Đó là, ngoài động lực, chúng tôi còn thấy rõ trách nhiệm của mình" - ngư dân Nguyễn Văn Định nói.
Kỳ vọng
Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - đánh giá những năm qua, Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã tạo thêm niềm tin, sức mạnh và động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. "Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, tôi xin chân thành cảm ơn Báo Người Lao Động. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện chương trình trao cờ cho ngư dân, báo tiếp tục phối hợp cùng Bình Định tăng cường các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân" - ông Hồ Quốc Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho hay vẫn chưa hết tự hào và xúc động khi nhớ lại buổi lễ trao cờ tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cùng với Báo Người Lao Động. "UBND tỉnh Hà Tĩnh cảm ơn Báo Người Lao Động rất nhiều. Tôi cũng như người dân tỉnh Hà Tĩnh chúc Báo Người Lao Động ngày càng phát triển và có thêm nhiều chương trình ý nghĩa tới với mọi người dân" - ông Võ Trọng Hải nói. Ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, còn kỳ vọng Báo Người Lao Động tiếp tục có thêm nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, góp phần phát triển kinh tế biển.
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An đặc biệt nhấn mạnh rằng Báo Người Lao Động đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống qua chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". "Tôi không nghĩ Báo Người Lao Động đã trao tặng vượt mốc 1 triệu lá cờ Tổ quốc đến người dân sớm như vậy. Ba năm nhưng hết 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 mà báo làm được là điều rất đáng nể phục. Tôi xin chúc mừng Báo Người Lao Động và hy vọng báo sẽ tiếp tục với chương trình này" - bà Cao Thị Hòa An nói.
Bình luận (0)