Mất lừa là một tổn thất lớn với những người lao động phụ thuộc vào phương tiện chở hàng quý giá này. Thế nhưng, cách mà những người làm công việc thồ hàng ở chợ như ông Njeru ở Kenya phát hiện mình bị trộm mất lừa khó có thể bi kịch hơn.
Gom da lừa
Những cái xác còn vương máu là những gì còn sót lại từ 3 con lừa cuối cùng mà người đàn ông 44 tuổi tìm thấy. Chỉ trong mấy ngày đầu năm, Njeru đã mất tới 5 con lừa. Tất cả đều bị kẻ trộm cắt cổ, lột da từ cổ, bỏ lại xương thịt cho lũ kền kền và linh cẩu.
Từ một người sống dư dả nhờ đàn lừa khỏe mạnh, nay thu nhập của ông Njeru giảm thê thảm từ 30 USD/ngày xuống còn chưa đầy 5 USD/ngày. Gia đình ông không còn đủ tiền thuê nhà, thậm chí bọn trẻ cũng khó lòng tiếp tục đến trường. Mua được một con lừa mới hẳn sẽ ít nhiều giải quyết vấn đề nhưng giá lừa lại đang bị đẩy lên gấp 3-5 lần vì cơn khát cao lừa của những người ở đất nước đông dân nhất thế giới cách đó nửa vòng trái đất.
Đối với ông Njeru và hàng triệu người khác trên thế giới, lừa là phương tiện quan trọng để vận chuyển thực phẩm, nước, củi, hàng hóa và cả người. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, chúng còn có một mục đích nữa là sản xuất cao - bằng cách luộc da lừa để chiết xuất gelatin. Trước đây, cao lừa thường được kê đơn chủ yếu để bổ sung máu và cân bằng khí huyết nhưng ngày nay, người Trung Quốc coi đó là phương thuốc chữa bá bệnh từ đẩy lùi lão hóa và tăng cường sinh lý tới chống tác dụng phụ của điều trị ung thư và chữa vô sinh, sẩy thai… Nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc gần đây nhảy vào lĩnh vực buôn bán "thần dược" gây sốt này với những chiến dịch quảng bá rầm rộ khiến mỗi ký cao lừa giá khoảng 20 USD cách đây 50 năm, nay đội giá tới gần 1.000 USD/kg.
Xác lừa chất đống tại một lò mổ ở Naivasha, Kenya. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo The New York Times, nhu cầu tăng cao khiến số lượng lừa của Trung Quốc từng ở vị trí lớn nhất thế giới đã giảm từ 11 triệu xuống còn 6 triệu con. Một số ước tính còn cho thấy nay con số đó chỉ còn chưa đầy 3 triệu. Trong khi đó, lừa cái đẻ con rất ít và dễ sẩy thai trong điều kiện căng thẳng. Thế nên, các công ty Trung Quốc ráo riết thu gom da lừa từ các nước đang phát triển. Mua da lừa cũng có nghĩa là lấy mạng một con lừa!
Báo cáo năm 2017 từ tổ chức Donkey Sanctuary (Anh) cho thấy trên toàn thế giới có 44 triệu con lừa, trong đó khoảng 1,8 triệu con bị xẻ thịt phục vụ sản xuất cao lừa hằng năm. Hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại ĐH Lâm nghiệp Bắc Kinh cảnh báo nhu cầu cao lừa ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể khiến lừa trở thành "những con tê tê tiếp theo". "Trung Quốc nhập khẩu da lừa nước ngoài với giá cao có thể dẫn tới khủng hoảng tiềm tàng đối với đàn lừa ở phần còn lại của thế giới" - các nhà nghiên cứu viết trên tờ Equine Veterinary Journal.
Sống chung với xác lừa
Da lừa vào Trung Quốc đến từ nhiều quốc gia như Kyrgyzstan, Brazil và Mexico. Châu Phi là tâm điểm của hoạt động thương mại này, cả về số lượng lừa bị xẻ thịt lẫn hậu quả để lại. Lo ngại đàn lừa có thể sớm bị xóa sổ, nhiều quốc gia ở lục địa đen đã phát lệnh cấm buôn bán lừa quốc tế. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, lệnh cấm ở một quốc gia này lại khiến đàn lừa của nước hàng xóm chưa cấm, rơi vào tình cảnh bi đát hơn. Người dân ở Nigeria cho biết khi nước hàng xóm Nigeria cấm xuất khẩu lừa để bảo toàn nguồn giống, người Trung Quốc lại đổ xô sang mua lừa của Nigeria khiến số lượng lừa suy giảm với tốc độ đáng báo động.
Trong khi đó, khi Tanzania áp đặt lệnh cấm tương tự gần đây, các vụ vượt biên từ Kenya sang nước này ăn trộm lừa tăng vọt để phục vụ cho các lò mổ lừa Trung Quốc tăng nhanh ở Kenya. Ông Rimoinet Shamburi - người đứng đầu làng Esilalei ở Tanzania - chia sẻ: "Mọi chuyện vẫn tồi tệ bởi nền công nghiệp ở Nairobi (Kenya) còn dung túng cho nạn ăn trộm lừa".
Theo Giám đốc chương trình phát triển khoa học thú y thuộc Tổ chức Bảo vệ lừa Kenya Solomon Onyango, nhu cầu mạnh mẽ về da lừa của lò mổ Trung Quốc tại nước này không chỉ liên lụy tới Tanzania mà còn gây nguy hại tới những nước láng giềng như Uganda, Somalia.
Theo một bản ghi nhớ của chính phủ Kenya, có 3 lò mổ ở nước này - do người Trung Quốc sở hữu hoặc hợp tác với Trung Quốc - đã xử lý gần 100.000 con lừa trong 2 năm qua. Đối với người dân địa phương, chẳng những không còn lừa đỡ đần cuộc sống, giờ đây họ còn phải sống chung với những xác lừa bị vứt bỏ bừa bãi từ những tên trộm và cả các lò mổ lừa. Không khí bị mùi thối rữa lấn át, xương lừa vung vãi khắp nơi, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và có nguy cơ mang nhiều mầm bệnh đáng lo ngại, trẻ em chẳng dám ra ngoài vui chơi bởi sự đe dọa của những con chó hoang săn tìm xương lừa.
Chiến trường "cocain của biển"
Tương tự da lừa, y học cổ truyền Trung Quốc cũng xem loại bong bóng cá totoaba là "thần dược" với cuộc sống chăn gối lứa đôi. Hiện loại "cocain của biển" này được tiêu thụ bí mật ở TP Quảng Châu (Trung Quốc), mỗi chiếc giá từ 3.000-20.000 USD.
Thị trường chợ đen bong bóng cá totoaba đang biến vịnh California thành một chiến trường khốc liệt, trong đó các tàu hải quân Mexico đối đầu với những kẻ săn trộm vũ trang ngày càng táo tợn. Những kẻ săn trộm chỉ nhằm vào bong bóng cá totoaba nhưng quá trình đánh bắt bằng lưới rê thường bắt cả cá heo vaquita nhỏ nhất thế giới, chỉ khoảng 30 cá thể còn sống, làm chúng ngạt thở và chết.
Cách đây 3 năm, chính phủ Mexico đã tuyên bố lệnh cấm đánh bắt tại khu vực 500 hải lý ngoài khơi San Felipe thuộc vịnh Mexico. Lệnh cấm làm điêu đứng cộng đồng chài lưới ở San Felipe - vốn có nền kinh tế phụ thuộc 70% vào đánh bắt. Động thái này có thể đẩy một số ngư dân vào bước đường cùng và không còn lựa chọn nào khác là đánh bắt trộm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-5
Bình luận (0)