Báo cáo của Tổng cục Thuế mới đây cũng cho thấy các khoản thu từ nhà, đất trong quý I/2021 ước đạt 44.798 tỉ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu tiền sử dụng đất ước đạt 38.916 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu từ đất tăng liên tục được cho là do thị trường bất động sản từ cuối năm 2020 đến nay rất sôi động, tình trạng "sốt" đất diễn ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, cho thuê đất… góp phần tăng thu.
Thu từ đất tăng lý giải vì sao thu ngân sách chung cả năm 2020 và đầu năm 2021 được duy trì tích cực dù dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh; nhiều chính sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp được triển khai khiến nguồn thu bị đe dọa.
Tuy có đóng góp tích cực cho ngân khố quốc gia song nguồn thu từ đất tăng vọt lại là tín hiệu cần lưu tâm bởi tính chất thiếu bền vững, cũng giống như thu từ các nguồn tài nguyên khác, đặc biệt là dầu thô. Nói không bền vững bởi gần như chỉ thu từ thuế sử dụng đất được coi là nguồn động viên ngân sách ổn định. Còn phần không nhỏ từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… chỉ thu được một lần trong thời hạn sử dụng dài hoặc chu kỳ thuê đến hàng chục năm. Một nguồn khác là thu từ hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thì dư địa cũng còn rất hạn hẹp.
Nói cách khác, thu từ đất, nhất là tăng thu nợ đọng từ đất, chỉ cứu vãn được nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong thời điểm cấp bách, là niềm vui trước mắt chứ không thể là giải pháp lâu dài.
Thu từ thuế, dù muốn hay không, vẫn sẽ được kỳ vọng là nguồn đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Tất nhiên, mục tiêu tăng thu từ thuế không nhắm vào tăng thuế suất các nguồn thu cũ mà quan trọng hơn là khẩn trương mở rộng cơ sở tính thuế; truy vết các nguồn thu nợ đọng nhiều hoặc đang né thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thương mại điện tử... Đặc biệt, thương mại điện tử là ngành khởi sắc mạnh mẽ bất chấp sụt giảm chung của rất nhiều ngành nghề kinh doanh trong hơn một năm qua, nhờ hưởng lợi từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng trong dịch bệnh. Truy vết nguồn thu này là việc đã được ngành thuế cực kỳ chú trọng song hiệu quả chưa tương xứng và cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa.
Quay trở lại câu chuyện thu từ đất tăng mạnh trong cơ cấu nguồn thu. Điều này cho thấy nền kinh tế đang hoạt động chưa thật sự hiệu quả để đem lại nguồn thu lớn từ doanh nghiệp. Kích thích hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng những ưu đãi thiết thực không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Từ đó, bổ sung nguồn thu bền vững cho ngân sách thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…, bù đắp được phần ngân sách nhà nước tạm "hy sinh" để triển khai các chính sách hỗ trợ. Đây cũng chính là giải pháp căn cơ và bền vững nhất song song với việc đấu tranh với tình trạng xói mòn cơ sở tính thuế gây thất thoát nguồn thu hiện nay.
Bình luận (0)