Chỉ tính riêng trong tháng 10-2017, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã lập biên bản 68 vụ vi phạm trong lĩnh vực thi công công trình trên đường bộ với các lỗi: không treo biển báo thông tin công trình; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp; để vật liệu, đất đá cản trở giao thông; không thu dọn biển báo, rào chắn; không hoàn trả mặt đường theo nguyên trạng,...
Một đơn vị 23 lần vi phạm
Điển hình, Thanh tra giao thông (TTGT) Sở GTVT TP HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị khi thi công công trình ngầm hóa các tuyến đường Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Sa (quận Bình Thạnh). Đây là lần thứ 15 đơn vị này bị xử lý vi phạm.
Đường Phạm Hữu Lầu (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) sau khi thay ống nước không được tái lập mặt đường
Trước đó, TTGT cũng xử lý hành chính đối với Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn do thi công sửa chữa đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cẩu thả và đã từng vi phạm nhiều lần. Công ty CP Tư vấn đầu tư Hoàng Gia Bảo khi thi công cải tạo thay thế tuyến ống D200 trên đường Calmette (quận 1) do Công ty CP Cấp nước Bến Thành làm chủ đầu tư cũng bị xử phạt do không thu gọn vật liệu thi công và hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.
Đáng chú ý, Công ty CP Viễn thông Sao Nam trong quá trình thi công công trình đã vi phạm đến 23 lần. Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn 20 lần, Công ty CP Công trình giao thông công chánh 14 lần, Công ty CP Xây dựng Thương mại An Xuân Thịnh 13 lần... Tuy nhiên đến nay, các đơn vị này vẫn hoạt động bình thường.
Sở GTVT TP đã từng đề nghị các khu quản lý giao thông đô thị, ban quản lý dự án lưới điện phân phối TP, UBND các quận, huyện chấp hành tốt các quy định về thi công xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Đồng thời, Sở GTVT đã gửi nhiều công văn nhắc nhở các đơn vị trong và ngoài sở chấn chỉnh tình hình thi công nhưng các vấn đề trên vẫn chưa được quan tâm thực hiện.
Tăng cường chế tài
Theo Sở GTVT, nguyên nhân sai phạm là do các đơn vị chủ yếu sử dụng nhân công thời vụ, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa bảo đảm kỹ thuật; công tác giám sát của chủ đầu tư và các đơn vị giám sát đào đường, tái lập chưa thường xuyên và chặt chẽ; việc xử lý các nhà thầu thi công, giám sát các chủ đầu tư chưa có tính răn đe dẫn đến nhà thầu vi phạm nhiều lần.
Sở GTVT đã có công văn thu hồi giấy phép, đình chỉ thi công, tạm ngưng cấp giấy phép thi công, đánh giá năng lực đối với các chủ đầu tư, nhà đầu tư thi công để xảy ra sai phạm. Ngoài ra, đề nghị TTGT tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nặng những đơn vị vi phạm.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh TTGT TP HCM, cho rằng thời gian qua có một số đơn vị thi công công trình giao thông vi phạm nhiều lần và đã bị xử lý hành chính nhưng theo quy định của pháp luật, mức phạt còn thấp; nhiều trường hợp chây ì, tái diễn nhiều lần nhưng không thể rút phép hoạt động. Theo Quyết định 09 của UBND TP HCM về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP thì không gia hạn hoặc cấp phép tiếp cho đơn vị thi công nếu vi phạm từ 3 lần trở lên trên cùng một công trình. Thế nhưng, khái niệm "một công trình" chưa có cách hiểu thống nhất. Có đơn vị hiểu đó là một gói thầu nhưng cũng có đơn vị hiểu là một dự án lớn. Mà dự án lớn có khi thi công cả chục năm và rất nhiều đơn vị thi công. Do đó, Sở GTVT đang kiến nghị sửa đổi cụm từ trên "một công trình" thành "một gói thầu" để tăng cường chế tài xử lý.
Còn theo một đại diện Sở GTVT, hiện nay, các vi phạm như thi công công trình không đúng như trong giấy phép, thi công không có rào chắn, thi công gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng thì bị đình chỉ thi công từ 1-3 tháng. Còn các trường hợp khác chỉ xử phạt từ 1 triệu đến 30 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. Sở GTVT đang kiến nghị xử lý mạnh tay đối với những đơn vị làm ăn không nghiêm túc.
Đường Trần Văn Giàu xuống cấp nghiêm trọng
Đường Trần Văn Giàu (đoạn từ đường dẫn lên đường cao tốc đến vòng xoay Tỉnh lộ 10 thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) được đưa vào khai thác cuối năm 2015, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và số 4 (Sở GTVT TP) làm chủ đầu tư với gần 552 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Tuy nhiên, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng; nhiều ổ voi, ổ gà, mặt đường bị bong, bay hết lớp nhựa phía trên, có đoạn trồi đá, cát trên mặt đường... Theo người dân địa phương, đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông.
Bình luận (0)