Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, việc đầu tư các trạm quan trắc chậm hơn so với kế hoạch do thiếu nguồn vốn. Hiện nay Sở này tích cực làm việc với các nhà đầu tư để kêu gọi mở rộng đầu tư 11 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục theo hình thức xã hội hóa hoặc kiến nghị UBND TP xem xét chuyển sang hình thức đầu tư công.
Trước đó, để nâng cao năng lực quan trắc cũng như kịp thời cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn TP HCM, năm 2020 UBND TP phê duyệt "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Theo đó, trong năm 2020, TP HCM dự kiến đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động, di dộng. Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030.
Quan trắc không khí thủ công tại ngã tư An Sương
Gần 2 năm triển khai Đề án, chỉ có 2 trạm quan trắc tự động được đầu tư (1 trạm đặt tại Phòng giáo dục đào tạo quận Bình Tân, 1 trạm tại Khu công nghệ cao – TP Thủ Đức, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong năm 2022).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, dự kiến từ nay đến năm 2025, Sở này tiếp tục đầu tư 7 trạm quan trắc môi trường không khí tự động và 1 xe quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, di động.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đang kêu gọi nhà đầu tư triển khai 9 trạm quan trắc môi trường không khí tự động theo hình thức xã hội hóa.
Hiện nay Công ty CP Vina Ecolife và Công ty CP công nghệ Thành Thiên (Liên danh nhà đầu tư) đã khảo sát chi tiết và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư "Hệ thống 09 trạm quan trắc môi trường không khí tự động" theo hình thức BLT. Báo cáo đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình UBND TP.
Bình luận (0)