Thông tin trên được TS Trần Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, chia sẻ trong kết quả của dự án "Đánh giá ô nhiễm không khí trong nhà và bệnh hô hấp mạn tính".
Ô nhiễm từ những thói quen bình thường
"Nếu để những chiếc xe máy trong không gian hẹp, không thông thoáng hoặc đóng cửa đốt nhang, nhà nằm ở mặt tiền đường giao thông có phương tiện qua lại đông đúc, nấu bếp củi... thì các chỉ số về ô nhiễm không khí trong nhà sẽ tăng cao" - TS Trần Thị Thu Thủy lưu ý.
Thường xuyên vệ sinh đồ đạc, nhà cửa cũng là cách giảm bụi mịn trong nhà
Chọn TP HCM để thực hiện dự án vì theo TS Trần Thị Thu Thủy, người dân tại các nước đang phát triển nói chung và người dân TP HCM nói riêng có các yếu tố nguy cơ về bệnh đường hô hấp mạn tính, gồm: Ô nhiễm không khí (ngoài trời và trong nhà); yếu tố nguy cơ dị ứng nguyên (bụi trong không khí, bụi trong nhà ở...); chế độ dinh dưỡng không hợp lý (như béo phì) dễ bị dị ứng cơ hội; thói quen sinh hoạt của người dân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà như hút thuốc lá, đốt nhang, nấu bếp củi...
TS Trần Thị Thu Thủy cho biết nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 100 căn nhà tại TP HCM tương ứng với 5 loại nhà, gồm: nhà ống, nhà chung cư, nhà trọ cho người thu nhập thấp, nhà nông thôn và nhà có kết cấu tạm bợ ven kênh rạch. Sau đó tiến hành đo đạc liên tục mỗi nhà trong 21 ngày các chỉ số ô nhiễm môi trường không khí như nồng độ khí CO, CO2, bụi PM2.5, VOC (các chất hữu cơ dễ bay hơi), nhiệt độ và độ ẩm. Ngoài việc quan trắc chất lượng không khí trong nhà, chủ nhà sẽ ghi chép lại nhật ký sinh hoạt trong ngày, 15 phút ghi nhận một lần các hoạt động diễn ra trong nhà như đốt nhang, nấu ăn, sử dụng bếp nấu loại gì, đặt ở đâu, nội thất có sơn mới hay không, có để xe máy trong nhà hay không...
Kết quả khảo sát cho thấy có 3 điều cần lưu ý: Đối với những nhà ống gần đường có mật độ giao thông cao, dù mở hay đóng cửa thì nồng độ khí CO trong nhà được ghi nhận rất cao vào một số thời điểm trong ngày do nguồn khói xe cộ ngoài đường tràn vào và tích tụ lại trong nhà. Vào giờ cao điểm, nồng độ khí CO trong nhà lên đến hơn 30ppm. Đối với bụi mịn PM2.5, nồng độ bụi khảo sát trong 100 nhà có giá trị dao động từ 0.48-545,4 ug/m3 và khoảng 1/4 số nhà khảo sát có nồng độ bụi mịn khá cao, nồng độ trung bình 24 giờ vượt ngưỡng 50 ug/m3 là tiêu chuẩn chuất lượng không khí ngoài trời của Việt Nam (do tiêu chuẩn không khí trong nhà của Việt Nam chưa có).
Với những căn nhà có nồng độ bụi mịn cao, nguyên nhân không chỉ do khói phương tiện giao thông mà còn do thói quen sinh hoạt của gia chủ như hút thuốc lá, đóng cửa đốt nhang, tàn tro từ bát nhang để lâu ngày, nấu bếp củi...
Điểm thứ 2 cần lưu ý, đó là những căn nhà trọ có diện tích nhỏ, ban đêm gia chủ đẩy xe máy vào trong, đóng cửa kín để ngủ vô tình biến căn phòng thành chiếc hộp kín, khiến nồng độ CO2 và TVOC (từ xăng xe) tăng cao cho đến khi mở cửa phòng.
Đối với nhà ven kênh rạch, vào mùa nắng, nồng độ VOC từ các loại rác thải phân hủy dưới lòng kênh, rạch bốc lên gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí xung quanh và cả trong nhà.
Khắc phục không khó
Để khắc phục hoặc hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, TS Trần Thị Thu Thủy cho rằng không khó. Quá trình khảo sát cho thấy ô nhiễm trong nhà không hẳn phụ thuộc vào loại nhà mà phụ thuộc vào điều kiện, thói quen sinh hoạt và kết cấu căn nhà.
Ví dụ đối với những căn nhà trọ nhỏ hẹp, điều kiện thông khí kém vào ban đêm, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ là nếu không thể mở cửa ban đêm thì thay đổi loại cửa ra vào và cửa sổ từ loại sắt, kính sang loại cửa thanh chớp có khe hở; hoặc lắp quạt hút gió sẽ giúp giảm hơn 50% nồng độ các chất ô nhiễm không khí có thể tích tụ ban đêm như CO2 và VOC. Không hút thuốc, không đốt nhang trong nhà khi đóng cửa. Đặc biệt nhà cửa phải thông thoáng, phải lưu thông gió; khi để xe máy trong nhà thì hạn chế không ngủ gần; vệ sinh bát nhang, đồ đạc thường xuyên tránh bụi tích tụ.
"Đừng nghĩ không khí trong nhà an toàn hơn ngoài trời bởi thời gian con người ở trong nhà nhiều hơn ngoài trời, thời gian phơi nhiễm dài hơn và có những loại chất khí ô nhiễm tích tụ mà ta không hình dung được. Kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án cũng cho thấy ô nhiễm không khí trong nhà có liên quan đến bệnh hô hấp mạn tính của người cư ngụ. Do đó, người dân nên thay đổi thói quen sinh hoạt, có thể điều chỉnh hoặc lắp thêm các thiết bị thông gió cho căn nhà nếu thấy chưa ổn. Cải thiện chất lượng không khí ngoài trời là việc của nhiều ban, ngành liên quan nhưng việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà là điều mỗi người dân cần hiểu rõ và chủ động làm ngay để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình của mình" - TS Trần Thị Thu Thủy nói.
Dự án thực hiện trong 10 năm
Dự án PIC (Projet Interuniversitaire Ciblé) thực hiện trong 2 giai đoạn, từ năm 2014 đến 2023, với sự tham gia của nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Việt Nam và Bỉ gồm: Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Bruxelles và Đại học Liège, nhằm đánh giá tình trạng bệnh hô hấp mạn tính của cư dân TP liên quan đến các vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà.
Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 (từ năm 2014 đến năm 2018). Từ năm 2019, giai đoạn 2 được khởi động nhằm tìm ra giải pháp khắc phục, hạn chế các vấn đề liên quan đến chất lượng không khí trong nhà.
Bình luận (0)