Trong kỳ họp chuyên đề ngày 21-9, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua tờ trình chính sách hỗ trợ văn bằng 2 ngành luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Ông Lê Trung Chinh khẳng định chính sách hỗ trợ học văn bằng 2 ngành luật nhằm hoàn thiện, nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật cho CBCCVC
- Phóng viên: Ông có thể nói rõ về mục đích và quan điểm của Đà Nẵng khi đưa ra chính sách trên?
+ Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: UBND TP Đà Nẵng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật đối với CBCCVC thuộc thành phố nhằm hoàn thiện, nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật, đặc biệt là trình độ chuyên môn về pháp lý, bản lĩnh chính trị đối với đội ngũ CBCCVC.
Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng chính sách dựa vào chương trình hành động của Thành uỷ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đề ra giải pháp: "Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về pháp lý, bản lĩnh chính trị đối với cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Xây dựng mô hình liên kết đào tạo, nâng cao, bồi dưỡng chuyên sâu giữa cơ quan có thẩm quyền của thành phố và các trường đại học chuyên ngành về pháp luật có uy tín trên cả nước".
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật cho các học viên thuộc diện do thành phố cử đi học.
CBCCVC của Đà Nẵng khi đi học văn bằng 2 ngành luật sẽ được hỗ trợ 50% học phí
- Đối tượng nào được hỗ trợ và chính sách này khuyến khích hay bắt buộc?
+ Đối tượng áp dụng của chính sách là CBCCVC theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP Đà Nẵng.
Để khuyến khích CBCCVC có điều kiện tham gia đào tạo thì chính sách hỗ trợ CBCCVC đào tạo văn bằng thứ hai ngành luật là rất cần thiết và phù hợp với chủ trương, định hướng và yêu cầu thực tiễn của thành phố. Việc này nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ CBCCVC vừa được đào tạo bài bản và nắm vững pháp luật trong công tác tham mưu, khắc phục tâm lý sợ sai, không dám làm, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Hỗ trợ khoảng 37 triệu đồng
Theo dự thảo chính sách, người được hỗ trợ đi học luật phải có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên. Thời gian công tác còn lại sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật phải đủ ít nhất 5 năm đối với lãnh đạo, quản lý hoặc ít nhất 10 năm đối với công chức, viên chức chuyên môn.
Theo tham mưu của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, đào tạo văn bằng hai ngành luật khoảng 2,5 năm với 109 tín chỉ. Mức học phí toàn khoá học là khoảng 75 triệu đồng. TP sẽ hỗ trợ 50%, tức khoảng 37 triệu đồng. Qua tổng hợp, có khoảng 60 CBCCVC đăng ký.
Tính đến tháng 6-2023, số lượng CBCCVC có trình độ đào tạo chuyên môn ngành luật đang công tác chỉ chiếm khoảng 4%. Cụ thể có 998 người trên tổng số 23.981 CBCCVC khối chính quyền.
Bình luận (0)