Ngày 27-10, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm và kiến nghị các giải pháp khắc phục.
Đây cũng là tình trạng mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp này. Cụ thể, tại báo cáo trình bày ở phiên khai mạc 20-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn yếu, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tình trạng vướng mắc về thể chế và tình trạng một bộ phận không nhỏ công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm là những điểm nghẽn trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là điểm nghẽn trong đầu tư công trong nhiều năm qua và càng ngày càng trầm trọng hơn.
Theo ông Khải, những tồn tại này đã thực sự đã trở thành một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của đất nước. "Chúng ta không thể kéo dài thêm tình trạng này, nếu không có giải pháp kịp thời, thì ngay cả việc giải ngân chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án đường cao tốc Bắc - Nam và 5 dự án quan trọng quốc gia về hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Quốc hội XV không thể hoàn thành đúng tiến độ" - đại biểu Trần Văn Khải lo ngại.
Vị đại biểu đoàn Hà Nam cho rằng thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ công chức của chúng ta rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực. Việc cấp bách hiện nay theo ông Khải là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì tổ quốc mình.
"Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, tôi tin nhiều người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó" - vị đại biểu kiến nghị.
Tham gia thảo luận, nêu rõ một số bất cập trong lĩnh vực đất đai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh việc giải quyết những vướng mắc về đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, khi có vướng mắc, các địa phương gửi văn bản đề nghị làm rõ ý kiến đối với các bộ, ngành thì câu trả lời từ phía các bộ, ngành đó là cứ thực hiện theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, còn tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm, điều này tạo sức ỳ rất lớn, một sự trì trệ trong cơ quan công quyền. "Cũng rất dễ hiểu rằng tại sao đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn không tháo gỡ được vướng mắc" - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ thực trạng.
Tại buổi thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan sớm cụ thể hóa chủ trương của trung ương về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để tạo cơ sở, tạo sự an tâm cho cán bộ dấn thân, cống hiến trong quá trình công tác.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực trạng về nhân viên y tế nghỉ việc
Về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng bên cạnh nguyên nhân do tình trạng thu nhập thấp còn có những nhóm nguyên nhân rất quan trọng nữa liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác; tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh; môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để cho nhân viên y tế cống hiến hết mình, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ.
Nhấn mạnh việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào, tuy nhiên theo đại biểu Thuỷ, việc dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế như thời gian vừa qua rất cần phải đánh giá đúng nguyên nhân, đủ nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ chiến lược.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cho biết theo đánh giá của Chính phủ, trong giai đoạn hiện nay, công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn rất thấp.
Từ thực tiễn đó, đại biểu Trang đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cùng với thực hiện tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong thời gian sớm nhất, cần tiếp tục nghiên cứu sớm triển khai các cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương, thưởng.
Cùng với đó, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức có kiến thức chuyên môn, năng lực giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì, mở rộng chính sách thụ hưởng các gói an sinh xã hội cho các nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng hưởng trợ cấp.
Bình luận (0)