Ngày 1-7, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai và Công an tỉnh Gia Lai phối hợp cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh việc bà Lê Thị Thương (ảnh dưới; SN 1988, nhân viên một ngân hàng tại Gia Lai) vay nợ hàng trăm tỉ đồng của người dân rồi tuyên bố vỡ nợ. Công văn cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả về UBND tỉnh Gia Lai trước ngày 7-7 để có hướng xử lý.
Lê Thị Thương
Trong ngày 30-6, hàng chục người vẫn đang chờ đợi trước nhà bà Lê Thị Thương tại hẻm 31 đường Ama Quang, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai để đòi nợ. Tuy nhiên, căn nhà luôn đóng kín cửa, không có người bên trong nên nhiều người thất vọng, đứng nhìn hồi lâu rồi bỏ về.
Trong đó, người cho bà Thương vay nhiều tiền nhất theo giấy vay nợ lên tới 133,6 tỉ đồng.
Căn nhà số 31/18 của bà Lê Thị Thương luôn đóng kín cửa từ khi tuyên bố vỡ nợ
Trong khi đó, mấy ngày nay bà V. (trú TP Pleiku) mất ăn mất ngủ vì cho bà Lê Thị Thương vay gần 3 tỉ đồng từ giữa tháng 6 nhưng đến giờ vẫn chưa trả. "Bà Thương nói vay tiền để đáo hạn khoản vay cho khách hàng với lãi suất 1.850.000 đồng/1 tỉ/ngày. Tin vợ chồng Thương là nhân viên ngân hàng, lại đưa cho tôi 2 cuốn sổ đỏ để làm tin, nên tôi mới xuống tiền cho vay" - bà V. nói và cho biết mới lấy được tiền lãi, tiền gốc khi quá hạn, không thấy trả, khi bà tới nhà tìm thì không gặp, gọi điện không liên lạc được.
Nhiều người hàng xóm cho biết bà Thương từng hỏi vay của nhiều người trong xóm số tiền lớn để đáo hạn khoản vay cho khách hàng. Bà Thương cũng thường khoe có người "chị nuôi" rất mạnh về tài chính, có thể cho vay vài tỉ trong thời gian ngắn. Nhiều người thấy bà Thương hỏi vay tiền tỉ nhưng chỉ cần gọi điện là ít phút sau có tiền trong tài khoản nên rất tin tưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người cho bà Thương vay nhiều tiền nhất là bà C.N.D.H (trú phường Phù Đổng, TP Pleiku, nhân viên một ngân hàng trên địa bàn TP Pleiku) với số tiền lên tới 133.6 tỉ đồng. Số tiền này, bà C.N.D.H vay của nhiều người là đồng nghiệp, người thân và bạn bè. Trong đó, có vợ của người đang công tác trong ngành quân đội.
Một người đàn ông đang có mặt tại nhà bà Thương cho biết vợ ông không trực tiếp cho bà Thương vay tiền. Tuy nhiên, người vợ ông cho bà C.N.D.H vay nhiều tỉ đồng nhưng khi đòi thì bà này lý do số tiền này đã cho bà Lê Thị Thương vay lại rồi bị bà Thương tuyên bố vỡ nợ nên ông đến tìm hiểu.
"Mấy hôm nay vợ tôi mất ăn mất ngủ, đòi tự tử vì số tiền này gom của nhiều người mang cho bà C.N.D.H vay. Số tiền quá lớn, hai vợ chồng tôi đều làm nhà nước, giờ không đòi lại được, biết đến khi nào mới trả hết khoản nợ này" - người này nói.
Theo người này, sở dĩ vợ ông tin tưởng rồi cho bà C.N.D.H vay với số tiền lớn là vì giữa hai người đã nhiều lần vay mượn tiền nhau và thanh toán sòng phẳng. Thêm vào đó, bà C.N.D.H làm ở ngân hàng, chồng làm quân đội, em trai cũng làm ở một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kon Tum và có cha ruột từng công tác tại chính quyền địa phương nhưng đã nghỉ hưu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi bị các chủ nợ đòi ráo riết, bà Thương có nói số tiền cho một người tên Thịnh vay để kinh doanh cà phê, bất động sản… rồi bị người này chiếm đoạt.
Một lãnh đạo Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết Đội Công an Kinh tế, Công an TP Pleiku đang tiến hành xác minh thông tin bà Lê Thị Thương vay số tiền lớn rồi không còn khả năng chi trả.
Tuy nhiên, khi đến cơ quan công an làm việc thì vợ chồng bà Thương khai báo không đầy đủ rồi ngất xỉu và hẹn hôm khác lên khai, cung cấp đầy đủ hồ sơ hơn. Từ đó tới nay công an mời, triệu tập lên làm việc nhưng bà này không lên.
Bà Thương mới khai vay của 8 người với số tiền gần 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay số bị hại vẫn chưa đến cơ quan công an trình báo nên chưa có thống kê đầy đủ.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, bà Lê Thị Thương vay tiền của nhiều người với số tiền gần 200 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ. Khi biết tin, nhiều người đã tới nhà riêng, trụ sở ngân hàng bà Thương làm việc để tìm bà đòi nợ. Tuy nhiên, vợ chồng Thương đã xin nghỉ phép nên không có mặt.
Bình luận (0)