Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và SGK mới. Trong 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt, có SGK Tiếng Việt, bộ Cánh Diều, do NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TP HCM biên soạn. Sau 1 tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên và giới chuyên môn đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ vừa bắt đầu đi học bậc tiểu học nhưng đã bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực.
Nhiều ý kiến cho rằng bộ Cánh Diều lấy những chuyện nước ngoài để đưa vào sách trong khi nước ta không thiếu những chuyện ngụ ngôn dung dị nhưng sâu sắc, nhân văn và mang tính giáo dục cao. Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng sách quá nhiều chữ, lắm "sạn", dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ lớp 1...
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết bước đầu đã có những giải thích, phản hồi các ý kiến trao đổi, góp ý. Bên cạnh lý giải về việc dẫn chuyện nước ngoài, phương ngữ đưa vào SGK phổ thông dùng cho học sinh cả nước, cách dùng những từ ngữ cụ thể..., ông cũng lên tiếng bảo vệ quan điểm của ban soạn thảo; khẳng định tiếp nhận các ý kiến trao đổi, phản biện nhưng nêu rõ những người biên soạn bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 đã "làm rất kỹ và có quan điểm của mình".
Ông cũng trấn an rằng không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên, giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh để các em không phải tự mình học với SGK.
Tuy nhiên, những sự giải thích và trấn an của vị tổng chủ biên xem ra chưa đủ để giải tỏa các băn khoăn, bức xúc. Thậm chí, có những ý kiến chưa chấp nhận với những giải thích đó, cho rằng ban soạn thảo chưa thực sự lắng nghe, cầu thị tiếp thu, đồng thời mong muốn có một hội đồng khoa học độc lập để đánh giá, xem xét SGK Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều.
Những tranh luận về bộ SGK Tiếng Việt do GS-TS Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên xem ra không dễ tìm tiếng nói chung trong khi sách đã đưa vào giảng dạy đại trà cho hàng triệu học sinh vừa mới chập chững tới trường. Vì thế, ảnh hưởng, tác động của bộ SGK này đối với tương lai phát triển của học sinh rất hệ trọng.
Hiện, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí, dư luận đã nêu. Là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT cần sớm có quan điểm chính thức, nếu không, có thể muộn trong việc phát hiện, ngăn ngừa những hệ lụy với một thế hệ tương lai như lo lắng của nhiều phụ huynh và nhà chuyên môn.
Bình luận (0)