Giáng sinh là ngày lễ không chỉ đối với đồng bào Công giáo mà còn là ngày văn hóa của dân tộc, được nhiều người dân chào đón trong sự trân trọng. Sinh thời, dù rất bận việc nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến ngày lễ này.
Nhất trí đồng tâm như con một nhà
Sau khi đất nước giành độc lập, Giáng sinh năm 1945 - năm độc lập đầu tiên của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các vị linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam.
Người viết: "Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị thánh nhân là đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã khắp, thấm vào đã sâu".
Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi "đồng bào ta, Công giáo và ngoại công giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức tranh đấu để giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc" và "tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào Công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền tự do độc lập đó".
Thời kỳ này, nước ta vừa giành được độc lập đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách của giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Thực dân Pháp liên tục gây hấn và tháng 11-1946 chiếm đóng nhiều tỉnh, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc nước ta.
Giáng sinh năm 1946 diễn ra trong điều kiện kháng chiến nhưng Người không quên gửi thư cho đồng bào Công giáo cùng đồng bào toàn quốc. Thư viết: "Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu. Toàn thể đồng bào ta, không chia lương, giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do".
Giáng sinh từ năm 1947 đến 1954, trong kháng chiến gian khổ nhưng năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết thư thăm hỏi, chúc phúc đồng bào Công giáo. Bằng tình cảm kính trọng đối với Hồ Chủ tịch và tấm lòng "kính Chúa, yêu nước", đồng bào Công giáo đã hăng hái ủng hộ, đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, cùng nhân dân cả nước chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong năm 1950, khi cục diện có những chuyển biến mới có lợi cho ta trên các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao, Người viết thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Giáng sinh và kêu gọi: "Chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa "Phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống kẻ hung ác". Ngày nay, cuộc kháng chiến cứu nước đang chuyển sang giai đoạn mới, đồng bào càng phải vì Đức Chúa, vì Tổ quốc mà đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kháng chiến hăng hái hơn nữa, để sớm đến ngày thắng lợi và thái bình. Tôi kính cầu Đức Chúa ban cho đồng bào mọi phúc lành".
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, trong thư chúc mừng đồng bào Công giáo nhân lễ Giáng sinh năm đó, Người khẳng định lập trường xuyên suốt và chính sách, pháp luật của nhà nước ta liên quan đến tôn giáo: "Chính phủ ta thật thà tôn trọng tín ngưỡng tự do".
Hai bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào Công giáo được viết vào dịp Giáng sinh năm 1955 và 1956. Trong thư Người viết năm 1956 có đoạn: "Tôi mong các hàng giáo sĩ và đồng bào, đã đoàn kết nay càng đoàn kết hơn, đoàn kết giữa nhân dân và cán bộ, giữa đồng bào giáo và đồng bào lương", "thực hiện củng cố miền Bắc thắng lợi, do đó mà mau thống nhất nước nhà, cho Bắc Nam sum họp như lời cầu nguyện của Chúa Kirixitô: "Nguyện cho hết thảy đồng bào hoàn toàn hợp nhất với nhau".
Giáo dân dự lễ tại Nhà thờ Tân Định (TP HCM) trong đêm Giáng sinh 2021. Ảnh: LÊ VĨNH
Đoàn kết là chính sách dân tộc
Như vậy, trong 12 năm, từ 1945 đến 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 12 bức thư gửi đồng bào Công giáo nhân lễ Giáng sinh. Người còn viết bài báo "Mừng ngày Chúa giáng sinh" với bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân số 155, ngày 21-25 tháng 12-1953. Ngoài ra, Người còn viết nhiều thư riêng gửi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong các dịp lễ quan trọng khác.
Xuyên suốt trong tư tưởng của Người thông qua những bức thư nêu trên là ca ngợi sự hy sinh, cứu khổ cứu nạn của Đức Thiên chúa, đã hy sinh cho tự do và bác ái của loài người, cứu loài người khỏi ách nô lệ; đưa loài người đến với hạnh phúc, bình đẳng, bác ái, tự do. Đồng thời, Người đề cao tinh thần đoàn kết lương giáo, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chiến thắng mọi trở lực, đóng góp vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của nước nhà.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, "đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị". Đoàn kết là cơ sở để hành đạo theo hướng "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc", "đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Trong thời khắc đáng nhớ của mùa Giáng sinh 2021, chuẩn bị bước sang năm mới 2022, đọc lại những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm nhận muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho đồng bào cả nước và đồng bào Công giáo, chúng ta càng thấy vững tin vào truyền thống đoàn kết các tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, để tin tưởng chúng ta sẽ sớm vượt qua những khó khăn, thách thức, trước mắt là đại dịch Covid-19.
Sống phúc âm giữa lòng dân tộc
Hưởng ứng Lời kêu gọi cả nước chống dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa qua, đồng bào Công giáo đã cùng nhân dân cả nước đoàn kết một lòng cùng Chính phủ triển khai nhiều biện pháp trong "cuộc chiến" chống Covid-19; thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ đồng bào các vùng tâm dịch. Có người tình nguyện vào tận các bệnh viện dã chiến, khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ thầy thuốc và người bệnh. Những việc làm thiết thực này chứng tỏ đồng bào Công giáo nước ta đã "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc" như lời Bác dạy.
Bình luận (0)