Đây cũng là một trong những nội dung nhạy cảm trong sinh hoạt của cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
"Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Ai cũng biết vậy nhưng không phải người nào cũng chấp nhận "thuốc đắng" dù biết nó sẽ giúp "dã tật". Thuốc mà đòi ngọt như kẹo thì đâu dễ gì trị được bệnh? Ở khía cạnh thực tế thì "nói thật" lại thường dẫn đến "mất lòng". Bởi vậy, khi bàn những vấn đề liên quan người khác, kể cả đồng chí của mình, thì không ít người thường xem đó là chuyện "tế nhị", "khó nói", thôi thì hành xử sao cho mát lòng mát dạ chứ chẳng dại gì thẳng thắn để sứt mẻ quan hệ, thậm chí mang họa vào thân!
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu tại trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Suy nghĩ này thường sẽ dẫn đến tình trạng thấy việc làm sai của đồng chí, đồng đội nhưng "không dại gì nói", dù là trong những cuộc họp mà cấp ủy hoặc cấp trên yêu cầu mọi người chân thành, thẳng thắn. Do vậy, trong nhiều cuộc họp kiểm điểm, kể cả kiểm điểm định kỳ cuối năm, không ít cơ sở chỉ làm qua quýt, xuê xoa cho hoàn thành nhiệm vụ, chứ chẳng mấy ai muốn nói về khuyết điểm của người khác, nhất là với cấp trên.
Nhiều người lại chọn cách góp ý cho người khác theo kiểu "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Thế là tính trung thực, sự thẳng thắn trong hoạt động thực tiễn sẽ nhường chỗ cho thói xu nịnh, vuốt ve nhau, rất nguy hiểm. Tính chiến đấu trong các đợt tự phê bình, phê bình có khi rơi vào tình trạng chẳng còn sức thuyết phục; kết quả của việc tự phê bình, phê bình cũng không thực chất.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc vào sáng 4-11-2021 để triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thẳng thắn nêu vấn đề nói thẳng, nói thật trong quá trình các đoàn đi làm nhiệm vụ giám sát. Ông yêu cầu từng thành viên các đoàn phải thống nhất từ nhận thức đến hành động, phát huy tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật thì mới có thể tổ chức giám sát đạt kết quả như mong muốn; cần thiết thì tổ chức giám sát các đoàn giám sát.
Quả thật, nếu thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu cách hành xử trong sáng của một cán bộ liêm chính thì khi phát hiện vi phạm hay sai sót của đối tượng được giám sát, người giám sát khó mà nói đúng bản chất quy mô, mức độ vi phạm, sai sót ấy. Nếu ở trong thế chẳng đặng đừng thì họ cũng chỉ nói cho qua chuyện, hòng lấy lòng đối tượng có vi phạm, sai sót vì mục đích không trong sáng.
Thực tế, không ít lần đoàn của tổ chức, bộ ngành… giám sát, kiểm tra cơ sở xong thì sau đó, những vi phạm, khuyết điểm của nơi được giám sát, kiểm tra vẫn tái diễn, có khi nghiêm trọng hơn. Do đó, để nói thẳng, nói thật, rất cần sự dũng cảm và trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên khi giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, đơn vị. Hơn nữa, đây là điều cần làm và làm thường xuyên với chất lượng tốt nhất, để mang lại hiệu quả như mong muốn. Có như thế mới góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bình luận (0)