Ai cũng đón chờ khoảnh khắc 0 giờ như chờ giao thừa. Bởi từ 0 giờ ngày 8-8, BV sẽ được gỡ lệnh phong tỏa, chấm dứt 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19.
"14 ngày BV bị phong tỏa cũng trôi qua. Nhưng trong 14 ngày đó, có nhiều thời điểm chúng ta đã sống, làm việc mà không hề nhớ là ngày thứ mấy! Chỉ biết rằng chúng ta sát cánh bên nhau như trong một gia đình, ở đó có đầy đủ sự cảm thông, đồng cam cộng khổ từ mỗi việc lớn nhỏ trong ngày. Chúng ta đã cùng nhau nhẫn nại để mài viên ngọc sáng về lương tâm, tri thức, đạo đức, trách nhiệm của ngành y" - bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc BV C Đà Nẵng, xúc động viết trong bức tâm thư gửi đồng nghiệp.
Từ sáng sớm, trước cổng BV ken đặc bệnh nhân xuất viện. Ai nấy đều mong ngóng được về nhà. Các y - bác sĩ, nhân viên y tế nán lại khiêng hành lý, hỗ trợ những bệnh nhân không thể tự đi lại.
9 giờ sáng, anh Trần Đình Quốc Khương (SN 1981; trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gọi thêm vài thành viên trong nhóm Tình nguyện trẻ, huy động ôtô để chở bệnh nhân xuất viện về nhà.
Một y tá nhờ chở 6 người, anh Khương không từ chối ai. 6 người trên xe là 6 hoàn cảnh. Bắt đầu là một bác gái có lẽ do mừng quá nên lên xe đã gọi điện báo liền cho người thân, cháu, em trai… mà quên mất họ đang chờ đón bác trước cổng BV… Bác thứ 2 có con gái đang làm ở BV và cũng bị cách ly nên không thể đón bác về. Cảm giác không ai đón tại BV, về nhà đứng chơ vơ trước cổng khiến trái tim các tình nguyện viên như anh Khương quặn lại.
Những chuyến xe chở bệnh nhân hoàn thành cách ly ở Bệnh viện C Đà Nẵng về nhà (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Một bác có 2 người con cùng đến đón nhưng ngồi xe máy khó khăn nên lên ôtô để nhóm của anh Khương chở về. Đến nhà, bác trai khoảng 90 tuổi đã đứng trước hiên chờ. Bác gái vừa bước vào, bác trai mừng rỡ bước theo lập cập gỡ nón xuống rồi đưa nhau vào nhà.
Người thứ 4 là một thanh niên bị bệnh bẩm sinh được anh trai bế trên tay. Trên xe có một bác trai bị khớp, phải di chuyển bằng xe lăn và chống nạng. Căn nhà nhỏ của bác nằm sâu trong hẻm ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Bên trong, vợ bác đang chùi rửa 2 mảng sạp giường, kê sẵn làm chỗ ngủ cho chồng. Hai cô con gái nghe tin bố về, liền chạy ào ra đón vào. Cả nhà mừng rỡ, mời nhóm vào, định trả công nhưng họ từ chối rồi đi ngay.
Lúc quay ra, anh Khương và 2 tình nguyện viên gặp một người hàng xóm buông lời miệt thị: "Covid về đó hả? Mấy người xem sao chứ mang Covid về cách ly cả xóm là coi chừng tôi". Anh Khương đành điện thoại nhờ công an xã đến can thiệp.
Trên suốt quãng đường, các bác luôn khen về cách các y - bác sĩ đã cư xử với họ những ngày qua. Có bác kể: "Cơm có bữa ngon, bữa không ngon nhưng ở trong nớ cơm ăn ngày ba bữa, nước non đầy đủ. Ra ngoài thấy nhà mô cũng đóng hết, không ai làm chi được, buồn hỉ".
Kết thúc buổi sáng, anh Khương đã hoàn thành được 6 chuyến xe "yêu thương". Buổi chiều, anh tiếp tục đến BV hỗ trợ, không để ai sót lại phía sau. Ngày mai, ngày kia, anh Khương cùng nhóm tiếp tục tiếp ứng hàng ngàn lít nước uống cho các điểm nóng y tế Quảng Nam, Đà Nẵng. "Dịch Covid-19 buộc chúng ta phải giãn cách, mỗi người tự cách ly. Nhưng tôi nghĩ cách mặt chứ không cách lòng, mỗi người cần hiểu rõ về cách Covid-19 lây lan để tự bảo vệ mình, rồi cố gắng bảo vệ mọi người" - anh Khương chia sẻ.
Bình luận (0)