xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VỈA HÈ BỊ TÁI CHIẾM (*): Nhiều sáng kiến nhưng hiệu quả chưa cao

Bài và ảnh: GIA MINH

Đã có những địa phương quyết liệt lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè bằng nhiều sáng kiến khác nhau nhưng xem ra hiệu quả vẫn còn hạn chế

Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM, việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè tại TP năm 2019 đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Đáng chú ý, công tác này trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền các địa phương nhưng nhiều nơi dù xác định có những tuyến đường trọng điểm lại không có phương án, giải pháp. Chưa kể việc phối hợp cũng thiếu đồng bộ.

Chấn chỉnh và xem xét trách nhiệm cụ thể

Ban ATGT TP cho biết liên quan đến việc vỉa hè bị tái chiếm tràn lan, hiện vẫn chưa có trường hợp nào kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương. Vì vậy vừa qua, Ban ATGT đã có văn bản đề nghị chính quyền cấp quận, huyện chấn chỉnh một số vấn đề trong công tác bảo đảm ATGT.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP, cho biết đơn vị đang kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Đồng thời, các quận, huyện cần xây dựng đề án quản lý, sử dụng lòng lề đường và đề ra mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng tuyến đường, địa bàn, khu vực cụ thể... Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý.

VỈA HÈ BỊ TÁI CHIẾM (*): Nhiều sáng kiến nhưng hiệu quả chưa cao - Ảnh 1.

Một quán nhậu xếp kín bàn ghế và xe cho khách, không còn chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần giao lộ đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh chụp lúc 19 giờ ngày 5-3

Theo phương hướng đề ra năm 2020, lãnh đạo Ban ATGT sẽ tiếp tục tăng cường việc tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè tại các địa phương. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu và sẽ kiến nghị UBND TP xử lý cụ thể cá nhân người đứng đầu các địa phương nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm.

"Ban ATGT tiếp tục theo dõi, tổng hợp các vị trí, khu vực có tình hình trật tự lòng lề đường phức tạp, có đánh giá tổng hợp kết quả ở từng địa phương vào từng quý, 6 tháng và 1 năm. Những nơi nào làm tốt đều được đề xuất biểu dương, khen thưởng. Ngược lại sẽ đề xuất phê bình, xử lý trách nhiệm" - ông Nguyễn Ngọc Tường khẳng định.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đánh giá vỉa hè bị lấn chiếm cũng là một trong những nguyên nhân cản trở thói quen đi bộ, tăng nhu cầu sử dụng xe cá nhân, khó thu hút hành khách sử dụng xe buýt. Vì vậy năm 2020, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP tập trung chỉ đạo về công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn.

Làm hết sức, hiệu quả chỉ dừng ở mức... cải thiện

Theo Ban ATGT TP HCM, năm 2019, qua theo dõi và đánh giá của các đơn vị chức năng, các địa phương đã có không ít sáng kiến nhằm quản lý lòng đường, vỉa hè tốt hơn nhưng mọi việc vẫn chưa như mong đợi.

Thực tế qua ghi nhận tại quận Bình Thạnh, sau khi đưa vào hoạt động phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến", các phản ánh và tương tác giữa người dân với chính quyền đã giúp đáng kể việc xử lý vi phạm về trật tự đô thị. Thế nhưng ngoài một số tuyến đường vỉa hè, lòng đường đã thông thoáng thì vẫn còn đó không ít tuyến tình trạng lấn chiếm vẫn cứ thế diễn ra, bằng chứng là đường Phạm Văn Đồng vẫn cứ là của… hàng quán!

Tương tự, tại quận Thủ Đức, hiện cũng đang có ứng dụng quản lý trật tự xây dựng khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật và quản lý trật tự đô thị, hỗ trợ tích cực cho việc chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường. Thế nhưng, ngoài một số nơi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được cải thiện thì tình trạng lấn chiếm vẫn còn và đặc biệt 2 thái cực đối lập vẫn tồn tại trên cùng một địa bàn phường.

Đơn cử như ở phường Bình Chiểu, từ kế hoạch và phát động chung của quận Thủ Đức, cuối năm 2018, phường đã triển khai một số điểm tập trung buôn bán cho các hộ dân trước đó lấn chiếm nhưng không có nơi cố định. Những hộ này có thể đăng ký vào bán tại các điểm đã sắp xếp, tuy nhiên bà Trương Hồng Yến, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, cho biết số hộ dân tiếp cận những điểm này chưa nhiều nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nơi có cải thiện, nơi vẫn diễn ra như cũ. "Đặc thù địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nên số lượng công nhân, người nhập cư rất lớn. Vì thế, hiện nay khi tan ca, công nhân thường muốn mua các mặt hàng xung quanh khu công nghiệp hoặc trên đường về nên nhiều điểm buôn bán lấn chiếm cũng hình thành. Phường đang mong muốn kết nối với các công ty, siêu thị nhằm cung ứng các mặt hàng thiết yếu ổn định, phù hợp và thuận tiện cho người dân tiếp cận. Bởi khi có những cửa hàng, siêu thị đáp ứng được nhu cầu thuận tiện trên thì sẽ giảm đáng kể việc buôn bán tự phát, lấn chiếm..." - bà Trương Hồng Yến chia sẻ.

Theo Ban ATGT TP, một số quận - huyện khác cũng có những mô hình hay như tại quận 6 có phần mềm giám sát và xử lý an ninh trật tự thông qua hệ thống camera. Quận này cũng xây dựng các tuyến đường văn minh đô thị xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, một số quận khác như 1, 5, 9, Tân Bình, Bình Thạnh... cũng sắp xếp một bộ phận người bán hàng rong vào khu vực quy định, kinh doanh trong các khung giờ cụ thể, từ đó giảm bớt tình trạng lấn chiếm cũng như giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động. "Dù có các địa phương đã cố làm hết sức nhưng hiệu quả cũng mới chỉ dừng lại ở mức cải thiện bước đầu mà thôi. Vẫn rất cần xây dựng đề án cụ thể về quản lý vỉa hè, lòng đường và tiến hành đồng loạt trên toàn TP" - một cán bộ ngành giao thông phân tích. 

Khá hơn nhờ vào "phố hàng rong"

Sau hơn 2 năm, 2 khu phố hàng rong tại quận 1 và cũng là đầu tiên tại TP HCM, gồm Công viên Bạch Tùng Diệp và đường Nguyễn Văn Chiêm đã trở thành nơi buôn bán, mưu sinh chính của nhiều gia đình khó khăn tại địa phương. Nơi đây hiện cũng là một trong những điểm tham quan, ẩm thực của du khách. Ghi nhận vào ngày 8-3, tại phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, không khí buôn bán nhộn nhịp với 20 quầy hàng. Những người buôn bán tại đây chia sẻ dù có những ngày khách không nhiều như buôn bán tại một số điểm lấn chiếm trước đây nhưng bù lại là có sự ổn định nên đời sống khá hơn.

Trước đó, năm 2017, từ đề xuất của quận 1, UBND TP HCM đồng ý, phê duyệt 2 địa điểm nêu trên để sắp xếp cho các hộ nghèo, có hộ khẩu tại địa phương tới buôn bán. Việc đó giúp ổn định đời sống cho một bộ phận người dân và hạn chế tình trạng buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Hãy giao về một mối!

Đến bây giờ có thể khẳng định việc tái chiếm vỉa hè sau những trận ra quân đình đám là chuyện không thể thay đổi khi vẫn duy trì cách quản lý và trách nhiệm như hiện nay. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu quả là khó vì nhiều lãnh đạo từ quận đến phường cho rằng họ đã kiểm tra đều đặn, định kỳ, đột xuất và làm rất quyết liệt theo chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM nhưng các nhà hàng, quán nhậu, khách sạn "ì" quá nên đành bó tay.

Vậy vỉa hè ở TP nên quản thế nào để vừa chặn đứng sự trục lợi của cán bộ địa bàn vừa tạo điều kiện cho người nghèo mưu sinh, có chỗ cho người đi bộ và bảo đảm an toàn giao thông? Hãy nhớ ở một số nước, việc cho thuê vỉa hè có thể kiếm được hàng trăm triệu USD để tái đầu tư hạ tầng và đáp ứng đủ 3 tiêu chí mà câu hỏi trên vừa nêu. Đó là, thành lập công ty chuyên quản vỉa hè. Thực tế, ở TP HCM đã và đang khai thác, cho thuê lòng đường, vỉa hè nhưng ít hiệu quả, bởi còn chưa nhất quán trong phối hợp. Việc dứt khoát phải thành lập một công ty chuyên kinh doanh vỉa hè (công ty này phải chịu trách nhiệm trước chính quyền TP nếu vỉa hè bát nháo, không còn chỗ cho người đi bộ) là điều phải làm và không nên bàn lùi nữa, nhất là trong điều kiện ngân sách để đầu tư hạ tầng ngày càng eo hẹp như hiện nay.

Khi đã có công ty chuyên quản vỉa hè với trách nhiệm cụ thể cùng những chính sách nhất quán thì có thể tin rằng chuyện lấn chiếm sẽ không nóng như hiện nay và hơn cả, người đi bộ vẫn thoải mái, người nghèo vẫn mưu sinh trên vỉa hè và ngân sách cũng có thêm nguồn thu.

M.A

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo