Nhiều chuyên gia, những người đau đáu với bài toán quản lý vỉa hè, lòng đường tiếp tục lên tiếng để dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74/2018 hoàn chỉnh, tính khả thi cao.
Hiện thực hóa 2 mục tiêu
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng trước khi có dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74/2018 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè thì UBND TP đã rất quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm thông qua hàng loạt đợt ra quân nhưng kết quả thế nào thì thực tế đã trả lời. Có nhiều bất cập, chẳng hạn vai trò phối hợp tham gia công tác quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè của cơ quan cấp sở chưa được thể hiện rõ. Bên cạnh đó, trách nhiệm về quản lý khai thác, bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè của UBND cấp huyện, xã cũng chưa được xác định cụ thể.
Thực trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè dai dẳng suốt nhiều thập kỷ qua không thể xử lý thì việc thu phí là hợp lý. Người dân sử dụng vỉa hè buôn bán tạo ra nguồn thu thì việc phải đóng phí hay thuế là dĩ nhiên vì vỉa hè, lòng đường bản chất không phải là tài sản sở hữu của bất cứ cá nhân nào. Vấn đề là nếu áp dụng việc thu phí thì các bên liên quan cần bảo đảm thực hiện khoa học, hợp lý, nghiêm chỉnh và công bằng ở mọi khu vực để hạn chế thấp nhất sự bức xúc. Từ đó, giải quyết bài toán hài hòa lợi ích giữa một bên là trật tự, kỷ cương trong quản lý đô thị và một bên là cuộc sống của một bộ phận mượn vỉa hè làm nơi kiếm sống.
Theo chuyên gia, mức phí nên cụ thể từng nơi, từng khoảng thời gian để khi quyết định mới có hiệu lực, các địa phương có thể áp dụng ngay. Ảnh: LÊ VĨNH
Nếu TP khai thác hợp lý sự hữu dụng của các vỉa hè, lòng đường sẽ đem lại nhiều lợi ích. Để giải quyết được những vấn đề đề cập ở trên thì dự thảo phải nhìn nhận được những tồn đọng, lấy ý kiến người dân, các ban ngành, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp. Trong đó, quy định rõ hơn trách nhiệm các cơ quan có thẩm quyền, hạn chế tuyệt đối những trường hợp bảo kê, lách quy định hay du di, phạt cho có…
Cũng theo luật sư Trần Minh Hùng, chính quyền TP có chủ trương tốt mang lại lợi ích nhưng nếu các cấp cơ sở vận dụng trong thực tiễn không thấu tình đạt lý thì cũng rất khó mang lại hiệu quả cao, thậm chí còn gây bức xúc và lo lắng cho người dân.
Do vậy, song song việc thêm nguồn thu cho ngân sách góp phần duy tu, bảo dưỡng đường bộ, bến bãi…, cơ quan có thẩm quyền cần nhiều giải pháp nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, hướng tới xây dựng văn hóa vỉa hè, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Đơn cử như quy định rõ những đối tượng được sử dụng vỉa hè cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của người liên quan; kể cả quy định người dân được quyền khiếu kiện nếu quyền lợi bị ảnh hưởng…
Ngoài ra, mức phí cũng nên cụ thể từng nơi, từng khoảng thời gian để khi quyết định mới có hiệu lực, các địa phương có thể áp dụng ngay. Việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè cũng cần ứng dụng công nghệ triệt để, công khai minh bạch, tránh những tiêu cực có thể xảy ra hoặc tạo những hoài nghi không cần thiết.
"Tóm lại, quản lý tốt lòng đường, vỉa hè để người đi bộ đi lại thuận lợi, an toàn mà vẫn có thể tận dụng những công năng khác là mục tiêu đúng đắn. Dự thảo thay thế Quyết định 74 cần bổ sung những nội dung nhằm làm sáng tỏ cũng như hiện thực hóa mục tiêu ấy" - luật sư Trần Minh Hùng đề nghị.
Lâu dài, cần hoàn thiện giao thông tĩnh
GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho biết về nguyên tắc, vỉa hè là dành cho người đi bộ, bên dưới thì chứa các hệ thống kỹ thuật để phục vụ cho đô thị như đường ống cấp thoát nước, cáp viễn thông. Đồng thời vỉa hè cũng là nơi trồng cây xanh, thoát nước.
TP HCM cũng như nhiều đô thị lớn khác, diện tích dành cho giao thông tĩnh, cụ thể là các bãi đỗ xe rất khan hiếm nên dẫn đến câu chuyện ôtô, xe máy đậu tràn lan. Mặt khác, nền kinh tế vỉa hè phát triển sôi động cũng kéo theo tình trạng buôn bán, lấn chiếm như lâu nay.
GS-TS Nguyễn Hữu Dũng nêu quan điểm việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè tại TP HCM chỉ nên là giải pháp tình thế, trong lúc diện tích giao thông tĩnh của TP chưa đủ để đáp ứng nhu cầu để ôtô, xe gắn máy của người dân.
"Để giải pháp tình thế này được triển khai hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng của TP HCM phải có quy hoạch. Cụ thể là những đường nào, vỉa hè nào cho phép đỗ xe, thời gian đỗ là bao nhiêu, đỗ ở phía nào…" - GS-TS Nguyễn Hữu Dũng nêu ý kiến.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, thu phí mà không có quy hoạch, quy chế thì người dân sẽ phản đối. Điều này sẽ làm giảm đi hiệu quả trong công tác quản lý đô thị nói chung, lòng đường, vỉa hè nói riêng. Do vậy, bên cạnh công tác quy hoạch thì cơ quan chức năng cần phải có quy chế về quản lý lòng đường, vỉa hè, đặc biệt là quy chế đối với việc để xe máy, với các hộ kinh doanh và nhà ở kết hợp với kinh doanh, sản xuất.
GS-TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh về lâu dài, TP HCM cần phải hoàn thiện các bãi đỗ cho ôtô và xe máy. Trong từng khu dân cư hiện hữu cũng cần phải có chỗ để xe cho người dân.
Mỗi phường 1 chợ đêm hoặc khu ẩm thực
Đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận 12 cho biết đơn vị này đang rà soát các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện triển khai thu phí sử dụng một phần theo yêu cầu của Sở GTVT TP HCM. Do đặc thù nhiều tuyến đường trong quận chưa được đầu tư bài bản, không có vỉa hè hoặc vỉa hè rất hẹp nên khó triển khai, nếu triển khai thu phí chỉ có thể tập trung một số ít tuyến đường có vỉa hè rộng như đường Trường Chinh.
Thông tin thêm về công tác quản lý lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận, đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận 12 cho biết rất khó khăn vì việc xử lý hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không thể triệt để. Hành vi thường tái diễn khi lực lượng chức năng vắng bóng.
"Nếu triển khai đề án thu phí như đề xuất của Sở GTVT, địa phương sẽ rất cân nhắc vì triển khai không khéo sẽ gây bức xúc cho người dân. Trước mắt, trong năm 2023, quận 12 sẽ thí điểm mỗi phường có ít nhất 1 sản phẩm là chợ đêm hoặc khu ẩm thực đêm để phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Trên những tuyến đường này có thể tổ chức thu phí sử dụng lòng đường" - người đại diện nói.
Bảng điều hành đô thị trực tuyến Bình Tân giúp quản lý tình hình trật tự đô thị. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ông Vũ Chí Kiên, cho hay để tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn, UBND quận đã ban hành Đề án về thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2022, với kế hoạch 122/KH-UBND, quận giao các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trật tự đô thị tại các tuyến đường, điểm kinh doanh tự phát.
UBND quận cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Bảng điều hành đô thị trực tuyến Bình Tân để theo dõi, quản lý tình hình trật tự đô thị. Năm vừa qua đã xử phạt 19.379 trường hợp vi phạm với số tiền 8.306.343.800 đồng, thu giữ 1.016 xe lôi và 3.583 dụng cụ khác. Kết quả này vượt hẳn so với năm trước đó, góp phần bảo đảm trật tự đô thị tại các tuyến đường, điểm kinh doanh tự phát cũng như bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn quận tốt hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng Bảng điều hành đô thị trực tuyến Bình Tân còn giúp lãnh đạo các đơn vị chủ động nắm thông tin, báo cáo quận để quận có đánh giá tổng thể công tác bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị và có những chỉ đạo phù hợp.
T.Hồng - T.Hoàng
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2
Bình luận (0)