Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam do Viện Công nghệ chống làm giả (thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - VATAP) thành lập. Đáng chú ý, trong số lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt có "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" Phạm Nữ Hiền Ngân, "Nam vương doanh nhân" Huy Hoàng…
Từng dính nhiều bê bối
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Mai Khanh, Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả, cho biết ban này được lập ra nhằm kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN), các cá nhân, tổ chức đồng hành, sử dụng công nghệ để phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý hàng hóa, hạn chế làm giả sản phẩm, giúp người tiêu dùng giám sát được hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” Phạm Nữ Hiền Ngân (giữa) tại Liên hoan Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Nhật Bản vào ngày 5-7 Ảnh: NVCC
"Trong ban có nhiều nhiệm vụ, có mảng chống hàng giả, mảng xây dựng thương hiệu, mảng hướng dẫn sở hữu trí tuệ…" - bà Khanh cho hay.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận nghi ngờ về mục tiêu to lớn của ban này khi cơ quan chủ quản từng dính không ít bê bối. Năm 2017, Viện Công nghệ chống làm giả từng vinh danh Công ty TNHH Vinaca vào Top 10 Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam dù công ty này sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre. Lãnh đạo công ty sau đó bị kết án tù về hành vi sản xuất hàng giả.
Trở lại với tiêu chí chọn nhân sự cho lãnh đạo ban, bà Trần Mai Khanh cho biết không khắt khe về các tiêu chí cũng như thẩm định hồ sơ. Như trường hợp của "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" Phạm Nữ Hiền Ngân, theo bà Khanh, bà Ngân đã chủ động tham gia và được chấp thuận, bầu vào vị trí phó trưởng ban. Bà Khanh cho rằng sở dĩ chọn những người này vì họ có "tầm ảnh hưởng trong xã hội" nên sẽ tạo được sự lan tỏa.
Các bộ phủ nhận liên quan
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định không chỉ đạo, không tham gia vào việc thành lập ban này. Đại diện Bộ Công Thương cho biết bộ tôn trọng hoạt động của các hiệp hội, viện nhưng phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), cho biết BCĐ 389 không biết thông tin về việc này cũng như không tham gia thành lập. Đại diện Bộ Tài chính cũng ngạc nhiên khi được "nhắc tên" trong việc thành lập ban này.
Khi chúng tôi nêu thông tin các bộ phủ nhận có liên quan đến việc thành lập ban, bà Khanh cho hay chưa từng phát ngôn rằng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ đạo thành lập ban. Bà một mực khẳng định không biết ai hay đơn vị nào đã đưa thông tin đó lên báo chí.
"Chúng tôi thành lập ban theo quy chế hoạt động của viện, tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật, hiện đang hoàn thiện hồ sơ với cơ quan chức năng" - bà Khanh nói. Hiện Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam chưa đi vào hoạt động mà chỉ mới ra mắt vì các hồ sơ pháp lý, hồ sơ nhân sự đang gửi lên Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ TP HCM để hoàn thiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định việc thành lập ban này phải tuân thủ quy chế, điều lệ hoạt động của Viện Công nghệ chống làm giả. "Để bảo đảm tính minh bạch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần kiểm tra, làm rõ việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam có tuân thủ quy trình, đầy đủ giấy tờ pháp lý hay không; tránh để xảy ra tình trạng một số cá nhân lợi dụng thành lập ban để trục lợi hoặc có những hoạt động không tuân thủ pháp luật" - luật sư Hòe nói.
Luật sư Hòe cho rằng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã phủ nhận việc chỉ đạo thành lập ban này thì nên vào cuộc kiểm tra, xác minh việc cung cấp thông tin sai lệch như vậy nhằm mục đích gì để có hướng xử lý.
"Từ chức vì không đủ năng lực"
Ngày 7-7, "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" Phạm Nữ Hiền Ngân xác nhận đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để từ chức phó trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam do cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể đảm nhiệm chức vụ phó trưởng ban.
"Sau khi được bầu giữ chức phó trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, tôi thường xuyên đi diễn xướng hầu đồng ở nước ngoài. Hiện tôi đang dự liên hoan văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Nhật Bản đến cuối tháng 7 này mới về. Tôi nghĩ rằng việc từ chức là để tập trung thời gian nhiều hơn cho những chuyến diễn xướng hầu đồng ở nước ngoài, qua đó mang văn hóa hầu đồng của dân tộc mình đi khắp thế giới" - bà Hiền Ngân chia sẻ.
Ngoài bà Hiền Ngân, 4 phó trưởng ban còn lại cũng có đơn xin từ chức với lý do "không phù hợp với chức vụ trên".
Bà Phạm Nữ Hiền Ngân sinh năm 1987, quê tỉnh Bình Định. Bà Hiền Ngân được nhiều người biết đến với việc tham gia hầu đồng - một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam. Đến tháng 7-2018, bà Hiền Ngân đăng quang danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" trong chương trình do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức. "Việc được bầu giữ chức vụ trên chỉ là "hữu xạ tự nhiên hương" - bà Hiền Ngân cho hay.
Đ.Anh
GÓC NHÌN
Bội thực "nữ hoàng"
Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng ngành tài nguyên - môi trường, Nữ hoàng thương hiệu ngành than, Nữ hoàng người mẫu doanh nhân đất Việt, Nữ hoàng ngành làm đẹp, Nữ hoàng trang sức… Hàng loạt "nữ hoàng" xuất hiện với những danh xưng vừa hài hước vừa lạ lùng đặt ra câu hỏi: Nữ hoàng nhiều như thế để làm gì?
Theo kế hoạch, cuộc thi "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" sẽ diễn ra vào ngày 13-7 tại Cung Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) sẽ tiếp tục cho ra đời thêm các "nữ hoàng". Nhưng từ tai tiếng của danh hiệu "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", động thái mới nhất hôm 7-7 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy sở này không thể cho phép tổ chức chung kết cuộc thi "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam" vì sở chỉ tiếp nhận giấy phép chương trình biểu diễn nghệ thuật tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty CP Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức, chứ không có sự kiện chung kết trao giải nào. Vì theo quy định, cuộc thi xin giấy phép ở đâu, sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó.
Sau hàng loạt "nữ hoàng" tự phong trong showbiz Việt, "nữ hoàng" như một danh hiệu lách luật của hàng trăm cuộc thi nhan sắc. Tất cả "nữ hoàng" này đều có thật và là những doanh nhân của ngành. Đơn cử như "Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam ngành thực phẩm" là giám đốc của một thương hiệu sản xuất mật ong.
Còn Phạm Nữ Hiền Ngân trở thành "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam" vì hàng loạt thành tích khó hiểu như: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng, danh hiệu Trái tim vàng vì cộng đồng; hãng phim Mỹ bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới… Do đó, "Nữ hoàng văn hóa tâm linh được trao cho cô đồng Phạm Nữ Hiền Ngân như một lời tri ân những đóng góp của cô cho văn hóa nước nhà" (!?).
Công chúng cũng vừa phát hiện ra đơn vị nắm quyền tổ chức và vinh doanh khá nhiều "nữ hoàng" hiện nay là Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (phối hợp cùng Công ty CP Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức), cũng là đơn vị từng phong tặng danh hiệu "Giáo sư âm nhạc" cho ca sĩ Ngọc Sơn.
Tất nhiên, các "nữ hoàng" này thừa sức để biến danh xưng "nữ hoàng" ngành của mình thành "nữ hoàng" khá chính thống mỗi lần xuất hiện tại các sự kiện. Trong khi dư luận hoang mang, các "nữ hoàng" vẫn được tung hô vang trời vì danh hiệu dù sao có còn hơn không. Và đó là lý do các cuộc thi "nữ hoàng" vẫn có đất sống và "nữ hoàng" ngày càng nhiều.
Cơ quan quản lý nhà nước ở đâu trong các sự kiện này? Tình trạng loạn danh hiệu "nữ hoàng" vẫn cứ tiếp diễn. Các cuộc thi vẫn lách luật tổ chức đôi khi lặng lẽ nhưng đều đặn nhiều năm. Thậm chí, một cựu thứ trưởng ngành văn hóa cũng có mặt để trao giải cho một trong các nữ hoàng. Điều này cho thấy tình trạng buông lỏng việc cấp phép, quản lý đang diễn ra nhiều nơi. Các cơ quan có trách nhiệm cần vào cuộc nhanh chóng để chấn chỉnh tình trạng này, không để các cuộc thi và tung hô danh hiệu tự phong diễn ra láo nháo như hiện nay.
Thùy Trang
Bình luận (0)