"Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững" là chủ đề Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2017 diễn ra ngày 13-12 tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đồng chủ trì.
Cần thể chế thị trường hiệu quả
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh với tốc độ tăng năng suất chỉ vào khoảng 4% như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của Hàn Quốc và Singapore. Theo ông Dione, để nền kinh tế Việt Nam tăng năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào, việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực. Muốn vậy, cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước.
Nhận định năng suất của Việt Nam là "một bức tranh ảm đạm", GS Kenichi Ohno (Nhật Bản) phân tích năng suất lao động của Việt Nam phản ánh mức độ thâm dụng vốn (khối lượng đầu tư) trong khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bị đình trệ ở mức 0. "Chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện để qua đó Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả. Phát triển kinh tế phải được dẫn dắt bởi con người và doanh nghiệp (DN). Tầm nhìn và mục tiêu đúng đắn, chia sẻ thông tin, các ưu đãi và môi trường đầu tư là những điều kiện cần thiết để đưa Việt Nam chuyển từ lắp ráp giản đơn lên tạo ra giá trị" - GS Ohno khuyến cáo.
Theo các đại biểu, để giải phóng năng suất, cần môi trường thuận lợi cho tăng năng suất với chính sách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách cho các DN vừa và nhỏ. Nghị trình chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực này, theo các diễn giả, cần xác định động lực đúng để tăng cường hiệu suất phân bổ nguồn lực, trong đó phát huy vai trò của thể chế thị trường hiệu quả và môi trường pháp quy hiện đại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017Ảnh: Quang Hiếu
Quyết liệt cải cách
Ông Ousmane Dione cho rằng trong từng lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực: Sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển DN nông nghiệp, giao thông vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối...
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất của từng DN, từng nội ngành kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng DN, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, chính sách phù hợp".
Thủ tướng đã thông báo tới các đại biểu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới, gồm: Tạo lập môi trường cạnh tranh toàn diện; tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán, tham gia và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
"Quyết liệt cải cách khu vực DN nhà nước - nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng" - Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Chìa khóa của tăng trưởng bền vững
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, tăng năng suất mới là chìa khóa đưa đến tăng trưởng bền vững. Tăng năng suất lao động đã đóng góp tới 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012.
Bình luận (0)