Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào sáng 24-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch Covid-19. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao. Hiện Việt Nam có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm gồm: Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tại Hà Nội.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế tư vấn cho người dân tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: HẢI ANH
Các đơn vị này đã chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn, cung cấp hệ thống máy móc, thiết bị cho 22 phòng xét nghiệm (đạt chuẩn do WHO công nhận). Các phòng thí nghiệm cho kết quả tin cậy. Ngay cả tuyến tỉnh như Quảng Ninh, TP Hà Nội đã thực hiện được xét nghiệm về dịch Covid-19. Đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, mẫu bệnh phẩm đều được xét nghiệm tại hai cơ sở để đối chứng và khẳng định tính chính xác.
Từ ngày 13-2 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Đã có 15/16 bệnh nhân được xuất viện. Về trường hợp bệnh nhân thứ 16 là nam giới 50 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.
Bệnh nhân này đang được lấy mẫu để xét nghiệm thêm lần nữa, bảo đảm thực sự khỏi bệnh trước khi xuất viện. Nam bệnh nhân này là bố đẻ của bệnh nhân Nguyễn Thị D. (23 tuổi, đã xuất viện) - thành viên của đoàn 8 người về từ Vũ Hán nhiễm Covid-19. Người bố ở chung nhà với D. từ khi cô về Việt Nam ngày 17-1, đến khi nhập viện cách ly ngày 25-1. Cả gia đình gồm bố, mẹ và em gái đều lây nhiễm từ D.
Bình luận (0)