Tại hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, ngoại giao; cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại - đầu tư trên cơ sở 2 bên cùng có lợi; khẳng định tăng cường hợp tác và tìm kiếm những phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỉ USD và cao hơn nữa.
Phía Myanmar đánh giá cao các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân nước này.
Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu KyiẢnh: Quang Hiếu
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn tiếp tục phát huy những lĩnh vực hợp tác quan trọng khác, gồm: Tài chính, viễn thông, năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp; đẩy mạnh giao lưu nhân dân; hoan nghênh việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, tư pháp, giáo dục, văn hóa; nhất trí sớm ký các thỏa thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cố vấn Aung San Suu Kyi đã chứng kiến lễ ký kết 2 văn kiện hợp tác giữa hai nước, gồm: Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin.
Bình luận (0)