Ngày 25-9, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PATH (một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu) và Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA - thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ) đã công bố kết quả các thử nghiệm lâm sàng của 2 vắc-xin được sản xuất trong nước là vắc-xin cúm mùa và cúm đại dịch.
Lưu hành vào năm 2019
Tại buổi công bố, TS Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC, cho biết các vắc-xin đã thử nghiệm thành công gồm: vắc-xin cúm phòng 3 chủng là A/H1N1, A/H3N2 và B; vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Trong đó, cúm A/H5N1 là một loại chủng cúm gia cầm lây truyền sang người trong những năm qua. Các vắc-xin này dự kiến sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019.
Về mức độ nguy hiểm, IVAC cho biết 1 tỉ người trên thế giới mắc bệnh cúm mùa và khoảng 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng hằng năm. Năm 2009, đại dịch cúm A/H1N1 kéo dài trong 12 tháng tại 74 quốc gia khiến hàng trăm người tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 1,2-1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong đó 20%-30% số này do virus cúm mùa (H1N1, H3N2 và cúm B) gây ra. Đối với bệnh cúm A/H5N1, giai đoạn 2003-2015 có 64 ca tử vong, đứng thứ 3 trên thế giới.
Việt Nam đã tự sản xuất được vắc-xin phòng đại dịch cúm A/H5N1 Ảnh: KỲ NAM
Từ năm 2010, Cơ quan BARDA của Mỹ đã tài trợ kinh phí thông qua tổ chức PATH hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ IVAC sản xuất vắc-xin cúm, thử nghiệm lâm sàng và các hoạt động sản xuất vắc-xin từ quy mô thí nghiệm đến sản xuất lớn. Công suất mà IVAC có thể sản xuất vắc-xin cúm mùa lên đến 1,5 triệu liều/năm; vắc-xin cúm A/H5N1 là 3 triệu liều/năm.
"Việt Nam trước đây không có công nghệ sản xuất vắc-xin cúm mùa thì không thể có vắc-xin phòng đại dịch. Việc sản xuất được vắc-xin số lượng lớn trong một quy trình công nghệ tiên tiến sẽ giúp chúng ta phòng chống đại dịch tốt. Đây cũng là bước sẵn sàng để khi có biến thể chủng cúm mới thì Việt Nam sẵn sàng sản xuất trong thời gian ngắn để có vắc-xin phòng bệnh không chỉ trong nước mà cả khu vực. Điều này hết sức ý nghĩa, rất nhân văn" - TS Bé nhận định.
WHO: Việt Nam tự tin!
Ông Guido Torelli, đại diện tổ chức WHO, đánh giá dự án sản xuất vắc-xin phòng chống đại dịch cúm ở Việt Nam đã hoàn toàn thành công. "Điều này tạo thêm sự tự tin để tiếp tục các dự án khác và cho thấy sự phát triển của ngành chế tạo vắc-xin ở Việt Nam" - ông Guido Torelli đánh giá.
Đại điện của WHO cho biết cũng như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam chưa tự chủ được việc sản xuất vắc-xin nên phải phụ thuộc vào các nguồn cung cấp khác. Nếu sản xuất được, Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng vắc-xin này cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Qua dự án này, Việt Nam hoàn toàn có thể tự sản xuất vắc-xin để sử dụng.
TS Nguyễn Tuyết Nga, quyền Trưởng Đại diện PATH khu vực Mekong, cho hay việc thực nghiệm lâm sàng việc sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa và cúm đại dịch là một bước thành công lớn. Vắc-xin đưa ra với chất lượng cao, an toàn và hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai.
Tiến tới tự chủ về vắc-xin
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các nhà khoa học trong nước đang nghiên cứu vắc-xin phối hợp "5 trong 1" ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và bệnh do phế cầu khuẩn (Hib). Trong số này có 4 loại vắc-xin Việt Nam đã tự sản xuất được, chỉ có
vắc-xin Hib phải nhập khẩu. "Hib là loại vắc-xin phức tạp nhất, qua nhiều khâu tinh chế. Hiện vắc-xin này đã được đơn vị sản xuất vắc-xin ở Việt Nam nghiên cứu sản xuất và là một trong các sản phẩm nằm trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, chúng ta vẫn nhập khẩu để tiến thành phối trộn các thành phần vắc-xin "5 trong 1" của Việt Nam. Hiện IVAC là đơn vị đầu mối thực hiện việc phối trộn các vắc-xin này" - GS Long cho biết.
Dự kiến trong 2 năm nữa, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vắc-xin "5 trong 1" để tự chủ trong nguồn cung ứng vắc-xin phối hợp với giá thành rẻ. Hiện Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi vắc-xin "5 trong 1" trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ Quinvaxem (của Hàn Quốc) sang ComBE Five (của Ấn Độ) do công ty sản xuất Quinvaxem ngừng sản xuất.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết để tự chủ trong cung ứng vắc-xin, Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm phòng bệnh. Việc nghiên cứu thành công các loại vắc-xin phòng bệnh cho người sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc-xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại vắc-xin để sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết nghiên cứu sản xuất vắc-xin đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Trung bình phải cần tới 8-12 năm để cho ra đời một sản phẩm vắc-xin. Trong số những dự án khoa học và công nghệ đang triển khai thực hiện, có nhiều dự án đã đạt được kết quả bước đầu như: Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin Hib cộng hợp, nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin bại liệt bất hoạt, nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc-xin cúm mùa...
Thành tựu
Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc-xin phòng bệnh: lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella… Trong đó, 8 loại đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Năm 2017, Việt Nam sản xuất vắc-xin "2 trong 1" sởi - rubella. Năm 2018, 2019 có thêm 3 loại vắc-xin phòng cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và bại liệt bất hoạt. Theo ông Huỳnh Chương, đại diện Cơ quan BARDA, điều quan trọng nhất là phải duy trì chất lượng nguồn vắc-xin mà IVAC đã sản xuất. Về thị trường cho sản phẩm, Bộ Y tế cần có những chính sách khuyến khích người dân sử dụng.
WHO đặt hàng vắc-xin cúm của Việt Nam
GS Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vắc-xin cúm (chủng virus H1N1, H3N2 và B) phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới. Đáng nói, giá thành vắc-xin cúm mùa "3 trong 1" Việt Nam sản xuất rẻ bằng khoảng 1/3 giá thành vắc-xin cúm mùa nhập khẩu, với chi phí 80.000-120.000 đồng/liều, trong khi hiện nay giá vắc-xin cúm nhập có giá từ 240.000-300.000 đồng/liều.
Bình luận (0)