Tối 7-6 (theo giờ Việt Nam ), Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) đã công bố Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Theo kết quả bỏ phiếu, có tổng cộng 192 trên tổng số 193 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng LHQ đã ủng hộ Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực HĐBA. Đây là số phiếu cao kỷ lục mà một thành viên giành được trong một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong suốt 75 năm phát triển qua của Liên Hợp quốc.
Đại hội đồng LHQ khi công bố 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng bảo an, trong đó Việt Nam trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 - Ảnh: UN
Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ áp đảo như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam chúng ta, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và HĐBA nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Với sự tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế thông qua những lá phiếu bầu hôm nay, Việt Nam sẽ có những bước thuận lợi đầu tiên để vượt qua nhiều thử thách sắp tới để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an một lần nữa, như chúng ta đã từng làm đươc khi lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.
Ngay sau khi trúng cử, Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam, đã có cuộc gặp gỡ và phát biểu trước báo chí quốc tế, bày tỏ sự cảm ơn tới cộng đồng quốc tế và cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm trên cương vị mới tại HĐBA.
Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử uỷ viên không thường trực trong HĐBA LHQ sau lần đầu nhiệm kỳ 2008-2009. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ làm tốt trọng trách ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có 15 nước ủy viên, trong đó 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Đây là cơ quan duy nhất của LHQ có quyền quyết định đánh giá thực tại các mối đe doạ đối với hoà bình hoặc phá hoại hoà bình và đưa ra khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
Bình luận (0)