Ngày 5-1, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình cho biết các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, nhưng chưa có vắc-xin Covid-19, thuốc đặc trị, chúng ta buộc phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021- Ảnh: Nhật Bắc
Cùng với đó, đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, thành lập hơn 700 trạm xá lưu động. Kịp thời điều động lực lượng lớn chưa từng có, trong thời gian rất ngắn với hơn 300 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Song song với các nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết Việt Nam đã xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, thành lập quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19. Đồng thời, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh từ một nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 rất thấp, Việt Nam đã đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát ngày 27-4, mới có 320 ngàn liều vắc-xin được tiêm, sau 5 tháng, ở thời điểm chuyển sang thích ứng an toàn (đầu tháng 10), Việt Nam đã tiêm được 47 triệu liều.
Đến nay, tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Việt Nam đang đặt mua vắc-xin tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Việc chuyển hướng đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. "Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022" - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng, thiếu nhất quán, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, một số quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thiếu thống nhất. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải và tử vong cao ở một số nơi trong giai đoạn đầu.
Chính phủ cũng nhìn nhận trong bối cảnh dịch bệnh, lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng người lao động tạm ngừng, thiếu, mất việc làm tăng. Đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Dạy và học trực tuyến phát sinh nhiều bất cập cho học sinh và phụ huynh. Dịch bệnh không chỉ tác động trong ngắn hạn, mà còn trong dài hạn đến sức khỏe, tâm lý của người dân, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Bình luận (0)