Trong khi phiên buổi sáng 13-1, chỉ số VN-Index hưng phấn ở giữa phiên, vượt đỉnh lịch sử 1.204 điểm, đạt mức 1.200,82 điểm thì buổi chiều, áp lực bán ra đã kéo chỉ số VN-Index đảo chiều.
Giá trị giao dịch đạt kỷ lục
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13-1, VN-Index quay về mức 1.186,05 điểm, giảm 6,23 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 17.800 tỉ đồng, thanh khoản toàn thị trường vượt trên 22.000 tỉ đồng (trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm trên 90%), tăng nhẹ so với phiên trước đó. Ngược lại, HNX-Index đã tăng 0,52 điểm, lên 222,49 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HNX đạt trên 3.000 tỉ đồng trong phiên này.
Dù quay đầu giảm nhưng tính từ đầu năm 2021, chỉ số chứng khoán đã thăng hoa với việc tăng liên tục 7 phiên, kéo VN-Index tăng 8%, lên 1.192 điểm (phiên 12-1), tiệm cận đỉnh lịch sử 1.204 điểm được thiết lập vào đầu quý II/2018.
Năm 2020, thị trường chứng khoán chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới (được gọi là nhà đầu tư F0) với tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán cuối năm đạt 2.771.409 tài khoản, tăng 16% so với năm 2019. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 98,3%, tăng 16,8%. Số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019. Do sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư mới mà giá trị giao dịch trên thị trường đã tăng đột biến, đạt mức kỷ lục. Giá trị trung bình mỗi phiên đạt gần 15.000 tỉ đồng/phiên, có những phiên đột biến trên 20.000 tỉ đồng.
Nhận định thị trường chứng khoán năm 2021, một số công ty chứng khoán đều cho thấy nhiều ngành sẽ khả quan, lợi nhuận ổn định như ngân hàng NH, bảo hiểm, thép... Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng nhiều vào kinh tế vĩ mô năm 2021 với GDP sẽ ở mức 6,5%. Các yếu tố hỗ trợ tích cực thị trường chứng khoán như: tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục, kéo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn; các Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp (DN) có hiệu lực sẽ hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Đặc biệt, yếu tố kỳ vọng rõ nhất là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trên toàn cầu.
Thị trường chứng khoán chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vượt đỉnh xứng tầm?
Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường tỏ ra hưng phấn. Trong khi đó, những nhà đầu tư có kinh nghiệm lại đặt câu hỏi liệu rằng thị trường đã tốt thực sự, nền kinh tế đã ổn định và xứng tầm với việc gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán hay chưa.
Mặc dù lãnh đạo ngành chứng khoán cho rằng nền tảng công nghệ vẫn ổn nhưng một số chuyên gia, nhà đầu tư tỏ ra lo lắng khi đã có nhiều phiên, lệnh vào thị trường rất chậm hoặc không thực hiện được.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng có nhiều lý do khiến thị trường chứng khoán vượt đỉnh trong lịch sử, thu hút nhiều nhà đầu tư. Điều dễ nhận thấy nhất giai đoạn này chính là tiền vào thị trường quá nhiều và nhà đầu tư quá hưng phấn với số lượng tài khoản mới đăng ký cao kỷ lục.
Theo ông Khánh, tình hình kinh tế đã cải thiện vào cuối năm 2020 nhưng năm qua cũng là năm mà số lượng DN khó khăn, ngừng hoạt động đạt con số kỷ lục. Con số tăng trưởng 2,91% của GDP khá thấp so với các năm nhưng lại là con số ấn tượng so với nhiều nước bị âm. Dù vậy, mức tăng của thị trường chứng khoán đến gần 70% so với đáy trong năm trên sàn HoSE và 120% tại sàn HNX, là rất đáng chú ý và nhiều ý nghĩa.
Chia sẻ thêm về yếu tố này, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng nền tảng kinh tế của 2 lần đạt mức đỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 1.200 điểm là hoàn toàn khác nhau. Nếu như năm 2018, thị trường ít DN niêm yết, tiềm lực tài chính của DN yếu thì thời điểm này, DN niêm yết rất mạnh về số lượng và cả chất lượng.
Đà tăng trưởng đợt này của thị trường cũng chứng minh các DN đã ăn nên làm ra. Trước đây, thị trường tăng bất chấp cổ phiếu "thượng vàng hạ cám" đều được "gom". Đợt này, chỉ các nhóm cổ phiếu có lợi nhuận, có kỳ vọng tăng trưởng trong lúc kinh tế khó khăn bởi đại dịch Covid-19 mới gia tăng mạnh mẽ còn một số cổ phiếu khác vẫn đứng, thậm chí có mã không tăng dù chỉ số VN-Index phi mã liên tục.
Quy mô của thị trường chứng khoán hiện tại cũng lớn hơn so với quy mô thị trường lúc đạt đỉnh của VN-Index năm 2018. Các DN có mức tăng trưởng tốt đều có nền tảng kinh doanh như khối NH.
Tăng cường giám sát thị trường
Mặt trái của việc thị trường chứng khoán tăng mạnh chính là tài khoản của nhà đầu tư mở mới quá nhiều. Họ đang trong tâm trạng của người chưa từng bị thương, chưa từng thua lỗ nên mua bất chấp, không tính toán khả năng chịu rủi ro.
"Những nhà đầu tư có tuổi, trải qua thăng trầm sẽ thận trọng, không lao vào như con thiêu thân vì họ hiểu khi thị trường bắt đầu thận trọng thì sự thất bại của nhà đầu tư F0 là rất lớn" - ông Lê Đạt Chí nói.
Hiện nay, dòng vốn giá rẻ vào NH (thông qua việc bơm vốn vào nền kinh tế) đã rút ra đầu tư vào thị trường chứng khoán nên thị trường trở thành nơi tích lũy tiền đầu cơ. Một chuyên gia tài chính khác cảnh báo hiện tượng các DN có tâm lý trong thời điểm hiện nay, việc đầu tư kinh doanh rất khó có lợi nhuận nên đã rút tiền đổ vào chứng khoán thay vì chuẩn bị vốn để sản xuất.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính nhận định năm 2021 dịch Covid-19 vẫn còn nhiều tác động tiêu cực nên thị trường chứng khoán có thể diễn biến phức tạp. Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của DN.
Bộ Tài chính cho biết Luật Chứng khoán, Luật DN và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của DN, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán bền vững.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cũng thận trọng khi đề cập những yếu tố không mấy thuận lợi do dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại. Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt:
Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường
Không ai có thể nghĩ thị trường chứng khoán lại thăng hoa trong bối cảnh hiện nay bởi tại thời điểm tháng 3-2020, các chỉ số giảm hơn 31%. Xu hướng tăng trưởng hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam có nguyên nhân tới từ dòng vốn của các công ty chứng khoán ngoại đổ vào thị trường, bên cạnh dòng tiền chuyển hướng do lãi suất giảm. Yếu tố lãi suất đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital:
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Yếu tố lãi suất đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của nhà đầu tư. Khi lãi suất giảm, họ có thể nghĩ tới câu chuyện rút tiền đi đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư hãy chọn mua cổ phiếu của DN có ban điều hành tốt, chỉ số cơ bản ổn, tài chính minh bạch, đặc biệt là phải có dòng tiền để tái đầu tư. Năm 2021 sẽ có nhiều kênh đầu tư và 2 yếu tố trên thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư cần lưu ý là thanh khoản thị trường và lãi suất tiền gửi.
Bình luận (0)