Theo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đốt vàng mã là mê tín dị đoan, Phật giáo kinh điển không hề dạy phật tử hay chúng sanh làm vậy để cúng gia tiên. Không chỉ vàng mã, các hình thức mê tín dị đoan khác cũng cần phải bỏ; đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn các tự viện tiến hành bãi bỏ, đồng thời chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa giá trị từ bi…
Tục đốt vàng mã ở nước ta có từ lâu, du nhập từ phương Bắc. Dù Phật giáo không truyền dạy phải cúng - đốt vàng mã nhưng các cơ sở thờ tự không thể ngăn người đi viếng chùa, cúng chùa thực hiện tục lệ này. Họ đốt không phải là vì phát tâm làm điều thiện mà chủ yếu cầu danh lợi, mà là nhằm gửi "tài sản" xuống cho người thân của mình ở cõi âm bởi suy nghĩ dương sao - âm vậy.
Có thể bên Phật giáo sẽ bỏ được tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự vào thời gian tới, sau đề nghị của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng tục lệ đốt vàng mã trong cư dân mỗi khi có cúng bái, giỗ chạp… thì khó mà bỏ được bởi nó đã ăn quá sâu vào đời sống tâm linh người Việt. Đáng nói, tại nhiều lễ hội sau Tết cổ truyền, giữa không gian chật chội, ken đặc người vẫn thường thấy nhiều mâm vàng mã được dâng cúng toàn hàng "khủng" (mô phỏng): biệt thự, nhà lầu, xe hơi, mô-tô, áo váy, laptop, điện thoại di động, thậm chí cả… người mẫu chân dài! Người này thành tâm vái gia tiên, kẻ kia cốt chỉ cầu danh vọng lợi. Tiếp đến là hóa vàng, lửa khói mù mịt và ngột ngạt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường rất lớn. Vô bổ như thế nhưng vẫn tin sái cổ, thậm chí cho đó là văn hóa!
Sự cuồng tín ấy làm lợi cho những kẻ buôn thần bán thánh, tranh thủ mùa lễ hội để thu vén tiền của từ bá tánh. Cho nên, có đến hơn 8.000 lễ hội trên cả nước được tổ chức mỗi năm, trong đó có nhiều lễ hội sặc mùi tiền mà vẫn tồn tại, lên án mãi song chẳng dẹp được.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là rất lớn. Dẫu hiểu rằng việc cấm tiệt đốt vàng mã trong cư dân là bất khả thi, từng bước cho dừng hẳn cũng không thể nhưng có thể hạn chế được bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn dưới nhiều hình thức để tập tục đó trở thành một lệ cúng thật đơn giản, thật tiết kiệm. Lấy đề nghị nói trên của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các cơ sở Phật giáo làm cái "đà", cơ quan quản lý nhà nước nên sớm tính đến chuyện này.
Nhìn rộng ra, phải chỉnh đốn lại và tiến tới chấm dứt hẳn các lễ hội nặng yếu tố bạo lực như chém lợn, đâm trâu hoặc tục giết thịt trâu chọi sau lễ, đem bán. Cho dù có được giảm nhẹ bằng hình thức nào đi nữa nhưng vẫn còn đó những nhát chém ghê rợn xả xuống, máu me vung tóe lên thì không thể xem là văn hóa.
Đừng nhân danh văn hóa để thực hiện những hành vi mê tín, bạo lực và phản khoa học như vậy!
Bình luận (0)