Hiếm lắm mới có dịp anh Nguyễn Thế Anh (42 tuổi, sĩ quan vận hành máy tàu SAR 412) và chị Phan Thị Kim Loan (39 tuổi, phó trưởng Phòng Cứu nạn DANANG MRCC) cùng có mặt tại đơn vị, nên chúng tôi tức tốc đội mưa đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II (DANANG MRCC) để trò chuyện cùng hai vợ chồng này.
Các thủy thủ tàu SAR 412 của DANANG MRCC đang thực hiện nhiệm vụ cứu người
Từ duyên nghề nên duyên vợ chồng
Ngày cuối tháng chạp, Đà Nẵng mưa gió lạ thường. Từ xa nhìn lại, bán đảo Sơn Trà mờ mịt trong mưa lớn. Thuyền bè ngư dân được neo đậu kĩ càng vẫn chòng chành vì sóng lớn, chỉ có tàu SAR 412 của DANANG MRCC vẫn đứng vững, sừng sững như ngọn hải đăng soi lối cho tàu bè ngư dân bám biển, vươn khơi.
Gần trưa, chị Phan Thị Kim Loan dán mắt vào hệ thống kiểm tra thời tiết, xem hành trình tàu thuyền… đảm bảo túc trực tiếp nhận kịp thời thông tin yêu cầu cứu nạn từ các tàu đang hành nghề trên biển.
"Dù không có tàu bị nạn, các thành viên tại phòng vẫn phải giám sát chặt chẽ tình hình tàu, thuyền để có phương án cứu nạn phù hợp khi có sự cố", chị Loan nói.
Công việc hằng ngày của chị Phan Thị Kim Loan là theo dõi màn hình ra-đa nhằm cung cấp thông tin cụ thể về hải trình của các phương tiện trong khu vực
Trong khi đó, anh Nguyễn Thế Anh lại cùng các thủy thủ tất bật kiểm tra máy móc trong thời gian bảo dưỡng tàu. "Nhiệm vụ cứu nạn có thể đến bất cứ lúc nào, anh em phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. Cả con tàu này cũng vậy, phải luôn trong tình trạng ổn định nhất để lên đường làm nhiệm vụ bất kể nắng mưa, giờ giấc", anh Thế Anh nói.
Dù có với nhau 2 mặt con, chị Loan vẫn thẹn thùng khi được hỏi về mối lương duyên của hai vợ chồng. Chị cho hay, mình tốt nghiệp ngành hàng hải - Trường Đại học Nha Trang rồi về quê nhà Đà Nẵng, vào công tác tại trung tâm từ năm 2007 đến nay.
Trong khi đó, anh Thế Anh tốt nghiệp ngành khai thác máy tàu thủy - Trường Cao đẳng hàng hải 1 (Hải Phòng). Sau 4 năm đi tàu hàng, năm 2004, anh chuyển về công tác tại DANANG MRCC và được biên chế vào làm thủy thủ vận hành máy tàu SAR 412.
Chị đến với nghề này là một mối lương duyên. Lúc đăng ký thi đại học, chị Loan có nguyện vọng thi ngành kinh tế nhưng lại viết nhầm ký hiệu mã ngành hàng hải.
"Tôi có một người bạn học cùng lớp, đăng ký nguyện vọng thi vào ngành đại dương học - Trường Đại học Nha Trang. Khi xem chỉ tiêu tuyển sinh của trường, chúng tôi nói với nhau: ngành hàng hải không tuyển nữ đâu. Thế nhưng khi đăng ký, tôi lại ghi nhầm mã ngành hàng hải vào nguyện vọng của mình", chị Loan tủm tỉm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thế Anh là thợ máy, thường xuyên túc trực dưới boong tàu, làm việc với máy móc, mỡ dầu
Tốt nghiệp, chị Loan thực tập ở 2 đơn vị, nhưng đến DANANG MRCC mới nhận ra đây là nơi mình phải gắn bó.
"Ba tôi là ngư dân, lúc ông đang đi biển thì bị tai biến rồi qua đời. Chỉ 1 năm sau, tôi thực tập tại đây (DANANG MRCC) mới thấy xót xa vì sao có đơn vị cứu nạn như thế này mà mình không biết. Nếu biết sớm hơn có lẽ đã cứu được ba. Nay, cả 2 vợ chồng đều làm nghề cứu nạn trên biển, phần nào đó, tôi đã thỏa được ước vọng ngày xưa", chị Loan bộc bạch.
Một chuyến biển, một lần lo
Quá trưa, chị Loan tạm ngớt việc. Rời màn hình, chị cho hay công việc của cả hai gần như không có ngày nghỉ, ngày Tết. 2 vợ chồng cùng ca trực là chuyện bình thường, có khi một tuần 3-4 buổi cùng ca trực, ít có thời gian ở nhà cùng con.
Những lúc như vậy, anh chị gửi con cho ngoại và họ hàng chăm hộ. Các con anh cũng sớm hiểu chuyện, chỉ cần nói đi cứu nạn thì sẽ không đòi ba mẹ, tự học bài.
"Làm việc cùng cơ quan nhưng 2 vợ chồng chưa bao giờ được đón giao thừa cùng nhau. Tết mình thường đón giao thừa cùng các con ở nhà, còn chồng thì đón giao thừa ở cơ quan vì công việc của anh là phải luôn túc trực ở tàu. Năm vừa rồi, mình đón giao thừa ở cơ quan thì chồng đón giao thừa ở nhà", chị Loan chia sẻ.
Cùng bộ phận ứng cứu khẩn cấp, vợ nắm thông tin, chồng lao vào vùng nguy hiểm cứu nạn ngư dân. Hai vợ chồng hầu như không khi nào cùng nhau đón giao thừa
Thêm nữa, ngoài thời gian cả 2 được nghỉ thì việc liên lạc với nhau ở cơ quan rất ít bởi anh Thế Anh làm bên bộ phận máy của tàu. Mỗi lần anh đi cứu nạn, nếu gặp nhau ở cơ quan, chị khuyên anh cẩn thận chứ không bao giờ gọi điện thoại hay tìm cách nhắc nhở vì thấu hiểu công việc của chồng, không muốn làm chồng phải bận lòng.
Cùng một nghề, nắm từng lịch trình chồng theo tàu là mỗi lần hãnh diện nhưng cũng một lần bất an. Chị nhớ, ngày 15-10-2016, mấy tàu hàng bị trôi dạt ở Quảng Bình do ảnh hưởng của bão. Tàu bị mắc cạn, lực lượng tại bờ và các lực lượng khác không thể tiếp cận tàu để hỗ trợ cứu nạn. Tàu SAR 412 được điều động đi làm nhiệm vụ nhưng không thể tiếp cận được tàu hàng.
Anh Thế Anh cùng 2 đồng nghiệp phải lên xuồng cứu nạn để tiếp cận tàu hàng và cứu các thuyền viên. Khi xuồng cứu nạn sắp tiếp cận tàu hàng bị sóng đánh úp. Cả 3 thuyền viên văng ra xa. Lúc đó, đang ca trực của chị Loan, thuyền trưởng báo về Trung tâm là xuồng cứu hộ đã lật.
"Phân tích tình huống, tôi biết chắc chồng đã lên xuồng và gặp nạn. Hay tin, chân tay tôi bủn rủn, tâm trí hỗn loạn nhưng cố hoàn thành các thao tác công việc cho nhiệm vụ cứu nạn", chị Loan kể.
Một lúc sau, thuyền trưởng báo tin thứ 2 là các thủy thủ tàu cứu nạn đã bám được vào xuồng, được đưa về tàu SAR 412 an toàn. Lúc đó, chị và các đồng nghiệp mới thở phào nhẹ nhõm.
Dù là thợ máy, nhưng khi cứu nạn ngư dân, anh Thế Anh vẫn thực hiện nhiệm vụ như mọi thủy thủ thông thường. Có lần, xuồng hơi chở anh bị lật, anh thoát chết trong gang tấc
Còn với anh Thế Anh, đã không ít lần cùng anh em tàu cứu nạn cận kề cái chết. Như năm 2004, tàu Sông Thương gặp nạn tại Chân Mây (Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế). Anh cùng đồng nghiệp băng sóng gió cứu được cả thảy 28 thuyền viên. Với anh, những chuyến cứu nạn thành công đều mang đến niềm vui tột độ.
Nhưng không chỉ là niềm vui cứu người, anh còn vui vì biết sau lưng mình là vợ, là gia đình, luôn dõi theo mọi khó khăn vất vả của chồng…
Đối với thủy thủ MRCC DANANG, không có khái niệm nghỉ xuân hay đón Tết. Tất cả đều túc trực 24/24 sẵn sàng làm nhiệm vụ (Ảnh: Thủy thủ tàu SAR 412 cứu 2 ngư dân bị đột quỵ trên vùng biển Cù Lao Chàm ngày cận Tết)
Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc MRCC DANANG, cho biết vợ chồng Anh – Loan là một trong những cán bộ, nhân viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
"Tại MRCC DANANG, có nhiều cặp vợ chồng nên duyên từ nghề nhưng để cùng công tác trong bộ phận trực chiến thì không nhiều. Thấu hiểu những hy sinh, vất vả của anh em, đơn vị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ ổn định đời sống, tiếp tục cứu nạn ngư dân trên biển", ông Bùi Tân Nguyên cho hay.
Thông lệ, dịp đầu năm mới, anh em thủy thủ tại MRCC DANANG đều tập trung trên tàu cùng nhau đón giao thừa thay vì trong trụ sở cơ quan.
Theo ông Bùi Tân Nguyên, đây không phải là nghi lễ, thể thức gì cả mà là tinh thần trách nhiệm. Bởi, tàu cứu nạn luôn luôn phải có người vận hành, kiểm tra máy móc, phòng chống cháy nổ… đảm bảo hoạt động tốt trong mọi thời điểm, sẵn sàng cho nhiệm vụ cứu nạn bất kể ngày đêm.
Bình luận (0)