Theo Tổ chức Liên minh Cứu trợ sông Mê Kông, sông Xe-Pian và Xe- Namnoy đổ vào sông Sê Kông - một trong những nhánh sông quan trọng nhất của sông Mê Kông. Sông Sê Kông có nguồn gốc từ Việt Nam, chảy qua Lào và sau đó vào Campuchia để đổ vào sông Mê Kông. Tại Lào, vùng nước của sông Sê Kông và nhiều nhánh nhỏ hơn là nơi sinh sống của hàng chục ngàn người. Tất cả đều dựa vào nghề đánh cá và rừng xung quanh cùng đất đai màu mỡ để trồng trọt lương thực. Ngoài ra, hơn 30.000 người sống dọc theo sông Sê Kông ở tỉnh Stung Treng của Campuchia cũng dựa vào đất và lưu vực con sông này để sinh sống.
Nhiều tổ chức lên tiếng
Cuộc sống của các cộng đồng lưu vực sông Sê Kông và các hệ sinh thái ven sông xung quanh đang bị đe dọa bởi sự khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Có tới 17 đập thủy điện được quy hoạch trong khu vực.
Sạt lở tại bờ sông Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) vào tháng 5 vừa qua làm nhiều người dân mất nhà cửa
Liên minh Cứu trợ sông Mê Kông thông tin dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã vấp phải những tranh cãi từ khi mới bắt đầu. Vào năm 2013, dự án này đã không tham vấn cộng đồng đầy đủ, đánh giá tác động môi trường kém, thiếu đánh giá tác động xuyên biên giới và thực tế là các biện pháp bảo vệ môi trường, xã hội không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí trước thảm họa này, dòng nước của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã gây ra những tác động nghiêm trọng về hạ lưu. Đó là việc thay đổi chất lượng nước và thủy văn đã làm suy giảm nghề cá địa phương. Khu Bảo tồn quốc gia Xe-Pian, tiếp giáp với sông Xe-Pian, cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dự án.
Bà Maureen Harris, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), cảnh báo: "Nhiều đập đang hoạt động hoặc dự kiến xây không được thiết kế để có thể đối phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt - vốn không thể đoán trước đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, gây ra mối nguy hiểm cho hàng triệu người sống ở hạ lưu đập". Thảm kịch đang diễn ra ở Lào cũng cho thấy sự thiếu sót của các hệ thống cảnh báo để ngăn chặn sự mất mát cho cuộc sống người dân. Cộng đồng dân cư không được đưa ra cảnh báo tiên tiến, hiện đại để bảo đảm an toàn.
Nguy cơ cho ĐBSCL
Theo quy hoạch của các nước, trên dòng chính sông Mê Kông có 19 đập thủy điện và dòng nhánh đến 142 đập. Vì vậy, vấn đề lo ngại hiện nay là nếu xảy ra thảm cảnh vỡ đập dây chuyền ở các nước thượng nguồn thì ĐBSCL sẽ chìm trong biển nước. Theo phân tích của thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mê Kông, vấn đề lớn nhất mà các đập thủy điện tác động đến ĐBSCL là làm suy giảm phù sa và cá.
Nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cho thấy nếu như năm 2007, lượng phù sa về ĐBSCL là hơn 143 triệu tấn thì đến năm 2020 chỉ còn 47,4 triệu tấn (giảm 67%). Và đến năm 2040, khi các đập hoàn thành sẽ giữ lại 97% bùn cát, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 4,5 triệu tấn. Việc thiếu phù sa gây ra nhiều hệ lụy mà nghiêm trọng nhất là gây xói lở bờ sông, bờ biển - đang diễn ra với tốc độ nhanh tại ĐBSCL.
Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, cho biết: "Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở, bồi lắng các sông ở ĐBSCL theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở diễn ra nhanh, ngày càng phức tạp, tác động đến kinh tế - xã hội. Toàn vùng hiện có 562 điểm với 786 km sạt lở. Quan trọng là việc suy thoái rừng ngập mặn, diện tích rừng trong 5 năm (2011-2015) giảm 10%, tương ứng với 28.387 ha".
Chủ động ứng phó lũ
Theo SIWRR, tác động của sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy vào ngày 23-7 vừa qua đến ĐBSCL bắt đầu ghi nhận được tại trạm Tân Châu và Châu Đốc. Theo đó, ngày 26-7, mực nước tăng 2 - 4 cm. Mức độ tăng lớn nhất 3 - 5 cm là ngày 27-7.
Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lũ nội đồng, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành ĐBSCL chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, đặc biệt cho các diện tích lúa hè thu ngoài đê bao và đê bao chưa hoàn chỉnh, nhất là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An.
Bình luận (0)