Không chỉ Ninh Thuận, hơn 10 năm qua, khi rộ lên thông tin khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh duyên hải miền Trung có các mỏ titan lộ thiên với trữ lượng khổng lồ đã làm các doanh nghiệp và không ít cơ quan chức năng địa phương như "lên đồng" tất bật lao vào khai thác. Đây là nguồn tài nguyên cực kỳ quý hiếm và không ít quốc gia luôn khao khát nhập khẩu để dự trữ. Thế nhưng vì những nguồn lợi trước mắt, nhiều địa phương cho khai thác ồ ạt.
Lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên bao giờ cũng phải ưu tiên phục vụ cho chính người dân và quốc gia. Thế nhưng bao năm qua, nguồn lợi từ khai thác titan ở nhiều địa phương không đem lại lợi ích cho chính địa phương và người dân như mong muốn, mà ngược lại ở nhiều địa phương, người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề: môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, đời sống bị tác động nặng nề, đất canh tác, vùng kiếm sống bị thu hẹp...
Sự hấp dẫn của titan cũng làm nảy sinh xung đột với các ngành kinh tế khác. Vào tháng 5-2018, trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã phải đề nghị điều chỉnh quy hoạch vùng khai thác titan. Nguyên do các vùng quy hoạch này đã chồng lấn lên quy hoạch phát triển kinh tế chung của địa phương. Mấy mươi dự án phát triển công nghiệp và du lịch vướng dự án titan nên không thể triển khai được, trong khi các tỉnh có titan này cũng chẳng giàu có gì. Tỉnh Bình Thuận đã cho dừng các dự án titan, nhưng thực tế tình trạng khai thác lén lút vẫn diễn ra mà báo chí thời gian qua đã phản ánh.
Còn tại Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định tạm dừng việc khai thác các dự án titan, đồng ý chủ trương phát triển địa phương này thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đối với các khu vực có quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc quy hoạch đến năm 2020 xét đến 2030 (do Thủ tướng Chính phủ cấp phép năm 2013) mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu vực dự trữ quốc gia.
Thực ra kiếm tiền bằng cách khai thác tài nguyên đem bán là đơn giản nhất, khó kiểm soát và để lại hậu quả nặng nề nhất. Bài học nhãn tiền về xuất khẩu than đá thô của chúng ta đang diễn ra đau xót đấy thôi. Chúng ta tự hào về nguồn tài nguyên than đá dồi dào nên mấy mươi năm qua cứ miệt mài xuất khẩu. Bây giờ đã thấm đòn, nguồn tài nguyên này đã cạn kiệt. Trong những năm tới muốn phát triển ngành nhiệt điện thì chúng ta phải nhập khẩu than đá từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu than đá lớn nhất từ Việt Nam.
Các quốc gia phát triển luôn khai thác chừng mực và quy hoạch sẵn vùng dự trữ. Chẳng hạn Nga, Mỹ... có nguồn dầu lửa khổng lồ nhưng được khai thác hạn chế và có những vùng đặc biệt không được khai thác. Còn các mỏ kim loại quý thì tuyệt đối không xuất khẩu mà dùng dự trữ cho ngành công nghệ then chốt của quốc gia.
Tài nguyên thiên nhiên không thể sinh sôi. Bán một cân thì thế hệ con cháu sẽ mất đi một cân và có khi tương lai phải đánh đổi miếng cơm để mua lại.
Bình luận (0)