Cơ quan chức năng của TP Vũng Tàu đã truy ra quán cà phê Heaven là thủ phạm và đã đề nghị rút giấy phép kinh doanh, những nhân viên trực tiếp bỏ rác bị lập biên bản hành chính. Đó là vụ việc hiếm hoi được phát hiện và có bằng chứng cụ thể để xử lý, thực tế có bao nhiêu thứ rác "vô chủ" khác vẫn bị tống xuống biển hằng ngày không thể truy ra nguồn gốc.
Vứt rác xuống biển, sẽ trôi nổi và sớm muộn gì rác sẽ theo các con sóng tấp vào bờ. Cách đây chưa đầy một tháng, biển Vũng Tàu nhận một đợt rác đại dương khổng lồ. Chính quyền địa phương phải huy động các đơn vị, đoàn thể dọn dẹp. Gọi tên là "rác đại dương" chứ đại dương nào có rác. Hầu hết các loại rác trên do chính con người thải ra vô tội vạ và đại dương chỉ làm mỗi nhiệm vụ là trả lại đất liền - nơi chính nó được thải ra.
Không chỉ Vũng Tàu, hàng loạt địa phương ven biển khác từ Bắc vô Nam đều báo động tình trạng rác thải xâm lấn bờ. Gần biển thì đổ ra biển, hạ nguồn các sông thì đổ ra sông, rồi sông cũng đổ ra biển. Các địa phương ven biển có nguồn thu rất lớn từ hoạt động du lịch biển nhưng cũng chính sự hấp dẫn từ ngành du lịch này đã kéo theo những du khách và cả những nhà kinh doanh xâm hại biển. Kinh doanh ven biển đã đành, còn dựng bè, đặt thuyền vô tư ăn nhậu trên biển. Ăn uống đó, xả thải đó nhưng luôn bảo là tận hưởng thiên nhiên?!
Rác thải còn có thể dọn dẹp nhưng nước thải thì kinh khủng hơn. Nhiều địa phương vịn cớ phát triển kinh tế nhưng đến nay không có mấy nơi xây dựng được hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh để có thể tái sử dụng. Đối với các địa phương ven biển, nguồn nước thải cuối cùng rồi cũng đổ ra biển. Làm kinh tế nhưng mặc kệ hậu quả của việc xả thải ra môi trường thì được chẳng bù mất.
Biển bao la nhưng không lớn đến nổi chứa hết tất cả các thứ con người thải ra. Xâm hại thiên nhiên thì chúng ta sẽ trả giá gấp nhiều lần trong tương lai. Điều này đã là nhãn tiền. Chỉ một thời gian xả thải của Formosa ở Hà Tĩnh đã làm vùng biển này ngộ độc rất lâu. Mặc dù nhà đầu tư bị xử phạt rất nặng nhưng câu chuyện làm sạch vùng biển này, phục hồi hệ sinh thái bị tổn thương vẫn còn rất dài. Hoặc chỉ một cơ sở nuôi tôm xả thải ô nhiễm ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã làm cả một vùng biển xinh đẹp này ngập ngụa trong hôi thối, cá chết nổi đầy...
Chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý những hành vi xả thải xâm hại thiên nhiên. Bộ máy quản lý của địa phương cũng không phải thiếu nhân sự giám sát, kiểm tra và xử lý những người kém ý thức. Nguyên do chủ yếu của tình trạng xả thải vô tội vạ chính là không bị xử lý rốt ráo nên "nhờn". Sâu xa hơn, đây là hành vi vô ơn khi hưởng thụ từ biển nhưng lại ngày đêm hủy hoại nguồn ân huệ này.
Bình luận (0)