Xã Đô Thành (huyện Yên Thành) là một trong những địa phương giàu nhất Nghệ An bởi có nhiều người đi nước ngoài lao động mà chủ yếu là nhập cư "chui" ở Anh. Những ngày này, nhiều gia đình đứng ngồi không yên.
Mất tiền, mất cả con
Có ít nhất 3 gia đình ở xã này không liên lạc được với người thân nhiều ngày. Bà P.T.Ph lo lắng: "Cách đây mấy ngày, khi đang ở trên đất Pháp, con trai tôi tên T. gọi điện về bảo sắp lên đường sang Anh. Tuy nhiên, sau đó, gia đình mất liên lạc với T. Gia đình đã gửi hình ảnh T. sang Anh nhờ người quen kiểm tra thì họ khẳng định T. là một trong số 39 người gặp nạn". Gia đình bà Ph. đã lập bàn thờ T. và gửi các giấy tờ cần thiết sang Anh để người thân lo các thủ tục nhận dạng.
Bà N.T.P đau đớn khi không liên lạc được với con gái suốt nhiều ngày qua
Nhiều gia đình khác cũng rơi vào tâm trạng bất an khi người thân đang cư trú bất hợp pháp tại Anh sắp tới sẽ phải đối diện nhiều rủi ro. "Nhiều ngày nay, tôi không nhận được bất kỳ tin tức gì về con trai ở Anh. Không biết cháu còn sống hay chết" - ông L.M.T, có con trai đang ở Anh, nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Nghệ An và Hà Tĩnh có nhiều người đã và đang sang Anh làm việc bằng con đường bất hợp pháp. Để vào Anh, mỗi người phải mất từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng cho các đối tượng môi giới. Bà N.T.P (ngụ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có con gái tên M., nghi là một trong số 39 nạn nhân tử vong trong container, xót xa: "Để cháu sang Anh, gia đình phải vay mượn khắp nơi đưa trước cho các đối tượng môi giới 22.000 USD. Khi sang tới Anh, gia đình phải đưa tiếp hơn 400 triệu đồng nữa. Giờ mất cả con, mất cả tiền, không biết sắp tới sống như thế nào nữa".
Đối mặt rủi ro
Không chỉ bỏ ra tiền tỉ, nhiều người chấp nhận đánh cược mạng sống của mình để nhập cảnh trái phép vào Anh. Sau khi nhận tiền, các đối tượng môi giới sẽ làm giả giấy tờ và tìm mọi cách đưa những người này đến Bỉ, Pháp. Từ đây, các lao động được đưa vào các container, thùng xe tải bịt kín để nhập cư trái phép vào Anh.
Anh H. (ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An), từng sang Anh bằng con đường bất hợp pháp, chia sẻ: "Tôi đã từng ở trong container để đi từ Pháp sang Anh nên hiểu rất rõ. Nếu container chứa 39 nạn nhân đi qua Bỉ, Pháp rồi mới vào Anh thì có thể sẽ có rất nhiều người Việt Nam".
Cũng theo anh H., ngoài việc phải đối diện với nguy cơ chết ngạt, chết cóng trong container, sau khi vào được nước Anh, các đối tượng môi giới sẽ thả những người di cư trái phép tại những khu vực hoang vắng. Từ đây, người lao động phải tự tìm cách xoay xở nơi đất khách. "Họ chở tất cả chúng tôi thả tại một cánh đồng ở Anh, từ đây mọi người phải tự lo cho mình. Có nhiều trường hợp đã bị cảnh sát bắt ngay sau đó" - anh H. kể.
Lấy mẫu ADN để đối chiếu với 39 nạn nhân ở Anh
Tính đến chiều 27-10, có trên 20 gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân ở Anh. Công an hai tỉnh này đã đến một số hộ để lấy mẫu ADN phục vụ quá trình xác định danh tính, đối chiếu với 39 nạn nhân ở Anh.
Đại tá Lê Khắc Thuyết, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết có 14 gia đình trên địa bàn trình báo không thể liên lạc được với người thân, tập trung ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, TP Vinh.
Trong khi đó, theo đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nếu trường hợp có người Hà Tĩnh là nạn nhân trong vụ 39 người thiệt mạng trong container tại Anh, công an sẽ tiếp tục làm rõ họ ra nước ngoài như thế nào, ai là người tổ chức đưa đi, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Sắp tới, công an tỉnh này cũng sẽ tổng rà soát việc xuất cảnh của công dân trên địa bàn.
Trong khi đó, chiều 26-10 (giờ địa phương), Cảnh sát hạt Essex - Anh cho biết vẫn đang tiếp tục xác định nhân thân và xuất xứ của 39 thi thể trong container đông lạnh, đồng thời cam kết trả thi thể nạn nhân cho các gia đình. Cùng ngày, Cảnh sát hạt Essex đã truy tố tội giết người đối với Maurice Robinson, tài xế xe tải chở container.
Bình luận (0)