Thông tin tại kỳ họp Quốc hội ngày 4-11, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho biết công an địa phương này đã khởi tố, bắt 8 đối tượng liên quan đến vụ việc 39 người chết trong container ở Anh, về hành vi "Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".
Không phải tội buôn bán người
Theo ông Nguyễn Hữu Cầu, đối với sự việc này, kết luận tội phạm gì là do cơ quan chức năng của nước Anh. Về phía Việt Nam, ông nhấn mạnh đây không phải là tội phạm buôn bán người, mà là tội tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội về vụ 39 người chết ở Anh Ảnh: NGUYỄN NAM
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết trong số 8 người bị cơ quan Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đều có người thân làm việc ở Anh và đã sang Anh rất nhiều lần, làm ăn được nên ở nước này đã móc nối người thân của mình tổ chức cho những ai muốn sang Anh, còn họ sẽ đón ở bên kia. "Theo điều tra của chúng tôi, trong những người muốn sang Anh, có người nộp đến 49.000 USD, tức gần 1 tỉ đồng và có một số người nộp 600-700 triệu đồng" - ông Nguyễn Hữu Cầu thông tin. Các đối tượng bị bắt giữ đều nhận tất cả hành vi về việc đưa người đi nước ngoài.
Về câu hỏi những người bị bắt giữ có phải nằm trong đường dây chuyên nghiệp đưa người sang nước ngoài trái phép không, ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết bản thân ông nghĩ không là chuyên nghiệp nhưng có người đã được đưa đi trót lọt rồi.
Điều tra ở phạm vi quốc tế
Cũng liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đoàn của bộ đã đến Anh và làm việc với cơ quan chức năng của nước này vào ngày 4-11. Trước thông tin có rất nhiều người Việt Nam trong thảm kịch trên, đoàn công tác của Bộ Công an đã mang theo tài liệu xác minh để đối chiếu với phía Anh.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi đã xác định có người Việt sẽ tập trung bảo hộ công dân, còn việc điều tra đang được triển khai ở phạm vi quốc tế, sẽ sớm có kết luận, vạch trần tội phạm và đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh cần ổn định được tình hình cuộc sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó có Anh.
Từ vụ việc 39 người chết trong container ở Anh, khi thảo luận tại nghị trường về tình hình tội phạm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị cơ quan hữu quan Việt Nam cần có sự nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc để rút ra bài học, tránh những thảm kịch đau lòng tương tự.
Theo ông Cường, thực trạng người Việt Nam đi lao động nước ngoài "chui" không phải vấn đề mới. Mỗi năm có hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức. Tuy nhiên, số người lao động làm việc thực tế tại nước ngoài lớn hơn nhiều. Từ đó ông Cường chỉ ra rằng ngoài nguyên nhân từ hành vi tổ chức, lôi kéo của những kẻ phạm tội và nhận thức của nạn nhân, không thể không nói đến những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vụ việc 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã gióng lên hồi chuông về công tác quản lý nhà nước trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào đường dây mua bán người kết quả còn rất hạn chế, mà trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương.
Chưa kịp thời xử lý đường dây mua bán người
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh còn bất cập là thực tế cần nhìn nhận từ vụ việc 39 người chết ở Anh. Đặc biệt, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện điều tra xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tổ chức môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Ông đề nghị Chính phủ, cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc này.
Bình luận (0)