Ngày 17-5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục ngày làm việc thứ 3 phiên xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Chuyển nhượng 100% gói thầu
Tại tòa, luật sư (LS) Nguyễn Danh Huế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, đề cập đến việc trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã gửi Công văn số 93 đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, trong đó nêu rõ việc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) chuyển nhượng 100% gói thầu đã ký kết với BVĐK tỉnh Hòa Bình cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh. Theo LS, công văn của Công an tỉnh Hòa Bình cũng nêu rõ việc chuyển nhượng thầu này đã vi phạm Luật Đấu thầu, do đó đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cấm các hoạt động đấu thầu của Công ty Thiên Sơn.
Liên quan đến nội dung này, LS Huế thẩm vấn điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về việc cơ quan điều tra xác định trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn đến đâu, không phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa đủ căn cứ. Tuy nhiên, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa yêu cầu điều tra viên không trả lời câu hỏi này vì không thuộc thẩm quyền.
Bị cáo Trần Văn Sơn khai chưa được đào tạo về máy móc chạy thận
Để tiếp tục làm rõ có hay không việc bán thầu, LS tiếp tục thẩm vấn đại diện Công ty Thiên Sơn. Tuy nhiên, đại diện công ty này phủ nhận và lý giải rằng công ty ký hợp đồng với Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh để thực hiện hợp đồng mà Thiên Sơn đã ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình trước đó. Vị này khẳng định có đủ chức năng, điều kiện sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO và đơn vị có cử cán bộ giám sát việc này tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau phiên xét xử, LS Nguyễn Danh Huế cho biết Công văn số 93 khẳng định việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng gói thầu là vi phạm pháp luật. Theo đó, điều 89 Luật Đấu thầu quy định rõ nhà thầu không được chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên.
"Trong trường hợp này, Công ty Thiên Sơn sau khi ký hợp đồng vào ngày 25-5-2017 với BVĐK tỉnh Hòa Bình, cùng ngày đã chuyển 100% giá trị thầu để hưởng phần chênh lệch. Cụ thể, gói thầu Công ty Thiên Sơn ký với BVĐK tỉnh Hòa Bình có giá trị gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh thì báo giá chỉ hơn 40 triệu đồng. Đây là hành vi trái pháp luật" - LS Huế khẳng định và cho rằng có khuất tất cần làm rõ. "Hành vi chuyển nhượng thầu của Công ty Thiên Sơn đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, cụ thể ở đây là có 8 người tử vong. Tuy nhiên, trong Công văn 93 nói rằng chưa đến mức truy cứu hình sự, chỉ xem xét cấm đấu thầu. Vấn đề phải làm rõ trách nhiệm hình sự" - LS Huế kiến nghị.
Cán bộ vật tư không rõ quy trình
Trong phần thẩm vấn của LS, bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư - Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, khai được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật thiết bị hình ảnh y tế, không có liên quan đến các thiết bị về máy chạy thận. Bị cáo Sơn cũng thừa nhận chưa tham gia bất cứ khóa đào tạo nào về máy chạy thận dù năm 2015 bị cáo đã đề xuất với lãnh đạo bệnh viện cho đi học.
Theo lời khai của Sơn tại tòa, thông thường BVĐK tỉnh Hòa Bình thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vào chủ nhật. Những lần sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng luôn. "Bị cáo chưa nhận được quy trình hay quy định nào về chất lượng nước xét nghiệm, cũng không biết tiêu chuẩn AAMI và tin vào nhà sản xuất, nhà cung cấp đưa vào đó" - bị cáo Sơn khai.
LS Hoàng Ngọc Biên bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tập trung làm rõ việc liên kết giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn trong việc lắp đặt hệ thống máy chạy thận. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Đỗ Đình Vận cho biết đơn vị này thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010. Thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong chạy thận.
Ông Vận cho biết được ông Trương Quý Dương, thời điểm đó là giám đốc bệnh viện, thông báo về việc liên kết nhưng không nói rõ nội dung. "Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hằng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng" - ông Vận nói.
LS Biên tiếp tục công bố hồ sơ tài liệu thể hiện việc BVĐK tỉnh Hòa Bình được chia lợi nhuận trong việc chạy thận. Cụ thể, tỉ lệ chia lợi nhuận giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn là 90%-10%. Tức là Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật. Ông Vận tái khẳng định không nắm được thông tin này.
Một số LS tham gia bào chữa kiến nghị HĐXX xem xét triệu tập ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Vật tư - Thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình, để làm rõ một số tình tiết trong vụ án. LS Đỗ Quốc Quyền (Đoàn LS TP Hà Nội) đại diện cho ông Trương Quý Dương vắng mặt trong phiên tòa ngày 17-5.
Không nhận được cảnh báo
Trả lời thẩm vấn, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục khẳng định không được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên thận nhân tạo, chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm quản lý. Theo bác sĩ Lương, sự cố xảy ra do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước RO sau quá trình sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của y - bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo. Bác sĩ Lương khai khi đến bệnh viện vào ngày 29-5-2017, không nhận được bất kỳ cảnh báo nào của bên sửa chữa cũng như lãnh đạo bệnh viện liên quan đến thiết bị chạy thận.
Bình luận (0)