Ngày 21-10, HĐXX phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang bắt đầu nghị án. Dự kiến, ngày 25-10, HĐXX tuyên án.
Không thể chỉ vì tình cảm
Theo hồ sơ vụ án, trong vụ này có 107 thí sinh được nâng điểm, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn, người thấp nhất là 2,2 điểm/môn.
Các tài liệu xác định 151 cán bộ, đảng viên có sai phạm trong kỳ thi này tại Hà Giang. Trong đó có 46 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật; 29 cán bộ, đảng viên được yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 57 cán bộ, đảng viên được tiếp tục kiểm tra, xem xét xử lý; 4 cán bộ, đảng viên tạm dừng kiểm tra, xem xét do mắc bệnh hiểm nghèo và chờ kết quả xét xử của tòa án.
Các bị cáo tại phiên xét xử ở TAND tỉnh Hà Giang
Theo các tài liệu được công bố tại phiên tòa, nhiều phụ huynh liên quan vụ án là người có chức vụ hoặc người thân các lãnh đạo của tỉnh Hà Giang như: ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Chúng Thị Chiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Nga (cán bộ Sở Tài chính và là vợ ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh); bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vợ ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương)...
Tại tòa, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhiều lần kiến nghị HĐXX mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những vật chất, đặc biệt là về tiền.
Luật sư Hướng nêu quan điểm rằng không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà chỉ bằng tình cảm, dư luận không chấp nhận được. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, nhất là đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và bị cáo Vũ Trọng Lương (nguyên trưởng và nguyên phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang); đồng thời, mở cuộc điều tra toàn diện những người như ông Quý, bà Chiên…
Cần giám sát chặt chẽ
Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần mở rộng điều tra vụ án về vấn đề vật chất. Trong vụ gian lận điểm thi tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì mỗi tỉnh có một cách gian lận khác nhau nhưng phải khẳng định rằng không một ai chỉ vì tình cảm mà vi phạm pháp luật, tự đưa mình vào vòng lao lý.
Theo luật sư Tiền, với vụ ở Sơn La, TAND tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ vụ án để điều tra làm rõ động cơ, mục đích của các bị cáo nâng điểm cho thí sinh; từ đó xem xét khởi tố vụ án nhận hối lộ, đưa hối lộ. Còn vụ ở Hà Giang, sắp tới đây tòa sẽ tuyên án nhưng rõ ràng trong vụ án này là phải điều tra, làm rõ yếu tố vật chất. Không có thứ tình cảm nào đủ lớn để thực hiện việc nâng điểm cho hơn 100 thí sinh được, phải điều tra làm rõ yếu tố này.
"Nếu thấy thật cần thiết và không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm cũng như không làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện của vụ án thì có thể xem xét tách các tội về hối lộ để xem xét giải quyết trong một vụ án khác, tránh bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, vụ án này có liên quan đến người thân của một số lãnh đạo tỉnh nên việc nể nang là không thể tránh khỏi, bản chất vụ án chưa được làm rõ. Phải làm nghiêm, xử lý triệt để dù bất cứ là ai!" - luật sư Trần Xuân Tiền bày tỏ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho rằng với vụ án này, các cơ quan công quyền ở trung ương phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và nếu phát hiện thiếu sót thì phải tham mưu, bổ sung kịp thời để người dân tin tưởng. Cần làm rõ trách nhiệm liên đới của các lãnh đạo tỉnh nếu liên quan. Ví dụ, ông Triệu Tài Vinh là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý nhưng trong quá trình kiểm tra, làm rõ vụ việc, nếu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang phát hiện những vấn đề liên đới trách nhiệm hay vi phạm của ông Vinh thì phải tổng hợp, báo cáo lên cơ quan cấp trên để tiếp tục xem xét.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định vụ việc đã đưa ra tòa án thì phải giải quyết dứt điểm, phải cho công luận một câu trả lời thỏa đáng. Những đối tượng có dấu hiệu vi phạm dù là đạo đức hay pháp luật thì cũng phải xử lý triệt để, nghiêm minh và không được nể nang bởi tòa án là cán cân công lý của xã hội.
Vợ chủ tịch tỉnh nhờ vả nhưng vô can?
VKSND tỉnh Hà Giang công bố hàng loạt tin nhắn từ phụ huynh, người thân các thí sinh gửi đến máy điện thoại của bị cáo Triệu Thị Chính để "nhờ vả". Một trong số đó có tên là bà Nguyễn Thị Nga. Tuy nhiên, dù có tên trong hồ sơ tố tụng nhưng bà Nga không nằm trong danh sách những người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên xét xử.
Trong quá trình tranh luận tại tòa, HĐXX và VKSND cũng không đặt vấn đề làm rõ thân thế, vai trò của bà Nga. Chỉ có các luật sư bào chữa cho bị can Triệu Thị Chính tiết lộ thân thế của bà này, là vợ của chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Bình luận (0)