Liên quan đến bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (QTKD) do Viện Quản trị Kinh doanh Brussels (gọi tắt là UBI), Vương quốc Bỉ, cấp cho các học viên Việt Nam đã có 3 đời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cùng cho biết "tính pháp lý không được công nhận".
Bằng thạc sĩ QTKD của UBI cấp cho học viên học tập tại tỉnh Hải Dương
Hơn 11 năm trước, ngày 14-6-2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thị Hường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, về nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Nội dung chất vấn mà ĐBQH Huỳnh Thị Hường nêu rõ: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) có liên kết với UBI tổ chức một số lớp đào tạo thạc sĩ QTKD; tại một lớp tổ chức ở Hải Dương, lớp có 42 học viên, trong đó có 30 học viên tốt nghiệp đại học tại chức. Lớp học không tổ chức thi đầu vào, học 10 chứng chỉ, 10 tháng tổng số là 50 buổi học, không thi hết môn, học qua phiên dịch, học phí 8.000 USD/1 học viên. Sau khoá học, học viên được cấp bằng thạc sĩ QTKD.
Ngoài Hải Dương, một số tỉnh khác cũng tổ chức tương tự, trong đó có cả Công ty FPT cũng đã và đang tổ chức các lớp như trên.
Xin hỏi Bộ trưởng: Thực hư việc đó như thế nào? Nếu thật như thế, thì chất lượng thạc sĩ dạng trên có đảm bảo không? Hình thức đào tạo như vậy có nên không? Vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trên lĩnh vực này như thế nào?
Trả lời chất vấn của ĐBQH Huỳnh Thị Hường, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển cho biết Bộ GD-ĐT không nhận được báo cáo của ĐHQG Hà Nội trước khi triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ QTKD với UBI.
Sau khi nhận được chất vấn của ĐBQH, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ĐHQG Hà Nội báo cáo về chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ QTKD tại Hải Dương. Bộ GD-ĐT sẽ đặc biệt lưu ý kiểm tra, thanh tra việc liên kết đào tạo của ĐHQG Hà Nội và Công ty FPT (không phải là cơ sở giáo dục nên không được phép đào tạo thạc sĩ).
Được Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu, ĐHQG Hà Nội và Khoa Sau đại học của ĐHQG đã có báo cáo về chương trình đào tạo thạc sĩ QTKD tại tỉnh Hải Dương, Học tập tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Hải Dương (trong danh sách học viên chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ QTKD của UBI tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Hải Dương thời điểm đó có ông Nguyễn Mạnh Hiển, khi đó với chức danh Bí thư Huyện uỷ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương - PV).
Danh sách 50 học viên khoá đào tạo thạc sĩ QTKD của UBI tại Hải Dương có tên ông Nguyễn Mạnh Hiển
Theo đó, Khoa Sau đại học, ĐHQG Hà Nội xác nhận: Ở ĐHQG Hà Nội, đối với các chương trình hợp tác đào tạo do trường đại học nước ngoài cấp bằng, ĐHQG Hà Nội chỉ kiểm tra tư cách pháp nhân và uy tín quốc tế của trường đại học đối tác. Còn trường đại học đối tác phải chịu trách nhiệm về nội dung.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2015), ĐBQH Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về việc ĐHQG Hà Nội liên kết UBI để đào tạo thạc sĩ QTKD ở một số địa phương trong nhiều năm qua.
ĐBQH Lê Thanh Vân chất vấn: Việc đào tạo theo mô hình này rất đơn giản. Người học chỉ đăng ký và nộp tiền, không phải thi đầu vào, không cần học các chứng chỉ, không phải viết luận văn. Thời gian học khoảng 14 tháng nhưng thực chất chỉ học có 44 ngày trong đó có phiên dịch nên thời gian tiếp nhận thông tin chỉ có 22 ngày. Đến nay, đã có hàng ngàn người được cấp bằng thạc sĩ theo mô hình này. Nhiều người đã khai vào lý lịch Đảng viên, lý lịch cán bộ là "thạc sĩ QTKD của UBI, Bỉ".
Qua tra cứu các trang thông tin có liên quan đến UBI, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết ở Vương quốc Bỉ, Hiến pháp cho phép mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền "tự do giáo dục" nhưng chỉ có những cơ quan quản lý giáo dục cộng đồng được nhà nước thành lập hay thừa nhận, mới có quyền cấp bằng, chứng chỉ. Theo đó, UBI chỉ được sử dụng quyền "tự do giáo dục" nhưng không được phép cấp văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Những người được UBI cấp chứng chỉ không được phép học tiếp lên trình độ cao hơn và văn bằng ấy cũng không có giá trị khi xin việc tại Vương quốc Bỉ. UBI hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý của 3 cơ quan quản lý giáo dục cộng đồng hợp pháp tại Bỉ.
Trong trang thông tin của mình, UBI cũng thừa nhận rằng chỉ có quyền giáo dục và không được phép cấp bằng. Như vậy, có thể thấy, việc liên kết đào tạo giữa UBI với ĐHQG Hà Nội rồi cấp bằng thạc sĩ QTKD tại một số địa phương ở Việt Nam trước hết là không phù hợp với pháp luật của Vương quốc Bỉ, sau nữa là vi phạm các quy định về quản lý giáo dục đào tạo ở Việt Nam.
ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp: "Việc liên kết đào tạo giữa ĐHQG Hà Nội với UBI, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chưa? Bằng thạc sĩ QTKD mà UBI cấp cho nhiều người và được ĐHQG Hà Nội xác nhận có giá trị không?".
Trước chất vấn của của ĐBQH Lê Thanh Vân, đến tháng 2-2016, Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời ĐBQH và khẳng định: tại thời điểm hiện tại (tháng 2-2016), trên trang mạng của UBI cho thấy, UBI không có thẩm quyền cấp văn bằng đại học, thạc sĩ, thạc sĩ QTKD, thạc sĩ QTKD điều hành và tiến sĩ.
UBI được phép đào tạo các chương trình này và do trường Đại học Middlesex London, Vương quốc Anh chịu trách nhiệm cấp bằng. Chương trình liên kết đào tạo của Khoa Sau đại học được ĐHQG cấp phép từ tháng 9-2002 và dừng tuyển sinh từ tháng 5-2011. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ĐHQG Hà Nội cung cấp các cơ sở pháp lý liên quan đến thẩm quyền văn bằng của UBI trong thời gian trên.
"Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa đủ cơ sở để công nhận văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do UBI cấp"- Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Một giấy xác nhận công nhận học vị và cấp bằng thạc sĩ trong khóa học QTKD của UBI
Cũng liên quan đến vấn đề bằng thạc sĩ kinh doanh của UBI mà Bí thư Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển và nhiều cán bộ tỉnh Hải Dương được cấp, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV (tháng 11-2016), ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ như đã từng chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trước đó về "giá trị văn bản chứng chỉ của bằng thạc sĩ QTKD do UBI cấp cho học viên Việt Nam".
Đây là vị Bộ trưởng GD-ĐT thứ 3 được ĐBQH chất vấn cùng về một vấn đề - bằng thạc sĩ của UBI (trước đó là Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận- PV).
Trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Vân, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết tại thời điểm năm 2012, UBI không cung cấp được chứng nhận kiểm định cho chương trình thạc sĩ QTKD (MBA) và thạc sĩ QTKD điều hành (EMBA) như đề nghị của ĐHQG Hà Nội gửi UBI.
Khoa Sau đại học, ĐHQG Hà Nội đã có văn bản gửi tới UBI thông báo việc tạm dừng liên kết và từ đó đến nay không tuyển sinh đào tạo các chương trình này.
"Như vậy, với các lý do nêu trên các văn bằng do UBI cấp chưa đủ cơ sở để được công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, do UBI được phép đào tạo và chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ QTKD của UBI đã được một số trường đại học (Trường Đại học Middlesex London, Vương Quốc Anh và Trường Đại học Clark, Mỹ) công nhận nên các học phần mà học viên đã hoàn thành khi theo học chương trình liên kết đào tạo vẫn được công nhận nếu học viên có nguyện vọng tiếp tục học tập ở Việt Nam" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết ông đã chuyển tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) xác minh, làm rõ đơn thư tố giác chính danh của công dân về việc Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển sử dụng bằng cấp của người khác.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho hay đơn thư tố cáo chính danh của người dân Hải Dương cho rằng ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, sử dụng bằng cấp của người khác và đã đề bạt, không xử lý người khai man về bằng cấp.
"Tôi đã nhận được đơn tố giác của người dân về việc ông Nguyễn Mạnh Hiển sử dụng bằng cấp của người khác và tìm hiểu sơ qua cũng như dư luận trên mạng cũng từng bàn tán về chuyện bằng cấp này nên đã chuyển đơn thư tố cáo đến UBKTTW để làm rõ theo đúng thẩm quyền. Đây cũng là trách nhiệm của ĐBQH và đúng theo luật định"- ông Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hiện kết quả xác minh sự thật giả bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển phải chờ kết luận của UBKTTW.
"Đơn thư tố giác ông Nguyễn Mạnh Hiển của công dân không chỉ gửi đến mình tôi mà còn gửi đến nhiều nơi khác. Cho đến giờ, sau khi có trả lời báo chí về việc chuyển đơn đến cơ quan chức năng là UBKTTW tôi vẫn chưa nhận được phản hồi, ý kiến nào từ phía tỉnh Hải Dương cũng như trực tiếp ông Nguyễn Mạnh Hiển về thông tin sử dụng bằng cấp của người khác"- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.
Trong khi đó, trả lời báo Dân trí, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng UBKTTW đang xác minh thông tin tố cáo nhưng chưa làm việc riêng với cá nhân ông về chuyện này.
Ông Hiển cho biết, trước đây đã có những râm ran, phản ánh nặc danh về chuyện bằng cấp của ông. Ông đã báo lãnh đạo tỉnh Hải Dương và sau đó thấy không có cơ sở nên không cơ quan nào ban hành kết luận chính thức.
Ông Hiển khẳng định mình "học hành đàng hoàng" và bằng được cấp đều đúng quy định.
Trước đó, vào tháng 10-2015, ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng từng bị ông Phan Ngọc Núi, nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hải Dương, "tố" về việc sử dụng bằng thạc sĩ không hợp pháp. Đó là bằng thạc sĩ có được theo chương trình đào tạo liên kết giữa ĐHQG Hà Nội và nước ngoài nhưng không được Bộ GD-ĐT công nhận.
Bí thư Hải Dương khai có bằng thạc sĩ
Bí thư Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển - Ảnh: Tiền phong
Trả lời báo Dân trí về trình độ học vấn kê khai trong hồ sơ công tác, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết ông khai năm 2006 nhận bằng thạc sĩ của Khoa sau Đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cho biết thêm không chỉ mình ông học hóa học thạc sĩ này mà còn nhiều người khác cùng học. Tuy nhiên, cũng theo ông Hiển, Bộ Giáo dục và Đào tạo tới nay vẫn "chưa nói bằng của mình thế nào".
Bình luận (0)