Ngày 10-6, chính quyền huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã tổ chức cưỡng chế đất tại thôn Dun Bêu, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê của gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ.
Việc cưỡng chế đất của chính quyền huyện Chư Sê vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Tỵ và đông đảo người dân thôn Dun Bêu.
Theo ông Tỵ, gia đình ông được cấp sổ đỏ đất từ năm 2000 để làm rẫy. Sau đó, ông mua một diện tích đất của người khác sát cạnh lô của mình để làm đường đi. Diện tích đất này chưa được bổ sung vào sổ đỏ đã cấp trước đó.
Sau nhiều năm canh tác, sử dụng ổn định, năm 2017, UBND huyện Chư Sê đã thu hồi của gia đình ông gần 6.000m2 và bồi thường, hỗ trợ 917 triệu đồng để làm dự án Khu trung trâm hành chính và Khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê.
Đến năm 2019, ông Tỵ và nhiều hộ gia đình khác phát hiện nhiều khoản hỗ trợ còn thiếu như chi phí đầu tư vào đất (bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại) và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại hoặc do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương)... nên khiếu nại đòi bồi thường, hỗ trợ đủ nhưng chính quyền huyện Chư Sê không giải quyết vì lý do "hết thời hiệu".
Việc cưỡng chế vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Tỵ và người dân thôn Dun Bêu nên không thể thực hiện
Ngày 10-6-2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê đã gửi thông báo về việc công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và kế hoạch chi trả tiền cho các hộ dân thuộc đường quy hoạch N10 khu trung tâm hành chính. Trong đó gia đình ông Tỵ bị thu hồi 293m2 và được bồi thường gần 59 triệu đồng gồm tiền bồi thường đất, hoa màu và vật kiến trúc trên đất.
Thấy thiếu các khoản hỗ trợ như đã đã nói ở trên nên ông Tỵ không đồng ý, yêu cầu phải được hỗ trợ đủ các khoản.
Sau đó, ông Tỵ nhận được thông báo yêu câu tháo dỡ cây cối, vật kiến trúc trên hành lang đường N10. Ông Tỵ vẫn yêu cầu phải được hỗ trợ các khoản theo quy định mới thực hiện nên UBND huyện Chư Sê đã tổ chức lực lượng cưỡng chế vào sáng 10-6.
Đại diện cho đoàn cưỡng chế, ông Cáp Văn Việt đã giải thích việc tổ chức cưỡng chế là làm theo đúng các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, ông Tỵ nói chính quyền huyện Chư Sê gộp cả phần đất ông mua làm đường rồi nói phần đất cưỡng chế không có trong sổ đỏ. Trong khi đó, ranh giới, mốc cắm từ lần thu thồi trước vẫn còn nguyên vị trí.
"Lần trước thu hồi đất đã ép buộc, bỏ ngoài nhiều khoản của chúng tôi. Lần này lại đòi thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ đầy đủ thì làm sao chúng tôi có thể chấp nhận được" – ông Tỵ bức xúc nói.
Khi đoàn cưỡng chế chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình ông Tỵ và đông đảo người dân thôn Dun Bêu. Chính vì vậy, việc cưỡng chế không thực hiện được và đoàn cưỡng chế buộc phải rút lui vào trưa cùng ngày.
Liên quan đến việc 43 hộ dân thôn Dun Bêu, thị trấn Chư Sê gửi đơn kiến nghị đòi UBND huyện này tri trả các khoản bồi thường, hỗ trợ còn thiếu nhưng UBND huyện Chư Sê không thụ lý do hết thời hiệu (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin), vào tháng 8 và tháng 12-2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có 2 văn bản chỉ đạo UBND huyện Chư Sê thực hiện chi trả hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Chư Sê vẫn chưa thực hiện.
Bình luận (0)