Liên quan đến việc phụ huynh phản ánh Trường Mầm non Măng Non (thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đưa ra nhiều khoản thu cao và vô lý mà Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 9-10, ông Phạm Văn Rực, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hiệp Đức cho hay đã nắm được thông tin ban đầu và sẽ kiểm tra, làm rõ trong tuần này.
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cũng cho biết trước đó đã nhận được phản ánh của một số phụ huynh và đã chỉ đạo cho Phòng GD-ĐT và các ngành liên quan kiểm tra.
Trường Mần non Măng Non (cơ sở cũ)
Liên quan đến sự việc này, khi tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều phụ huynh nói rằng rất bức xúc với các khoản thu mà Trường Măng Non đưa ra nhưng họ không dám phản ứng vì con họ đang phải học trong trường, sợ ảnh hưởng đến con. Một số phụ huynh cho biết trước đó có phụ huynh nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường (BĐD) từng phản ứng với các khoản thu và đã bị gây khó dễ.
Tiếp xúc với phóng viên, vị phụ huynh trên nói rằng con anh vừa học xong ở Trường Măng Non, giờ đã lên lớp 1 nên anh mới dám kể. Theo anh, năm học 2015-2016, con anh học lớp mẫu giáo nhỡ ở Trường Măng Non. Lúc này, anh là thành viên BĐD của trường.
Khi nhà trường đưa ra bàn thảo việc tăng tiền ăn của HS từ 12.000 đồng/bữa ăn lên 13.000 đồng/bữa để bù vào các khoản phụ phí như tiền điện, nước, ga, gia vị... thì anh phản ứng. Vị phụ huynh này nói rằng mỗi bữa ăn chỉ thêm 1.000 đồng nhưng trường có gần 300 HS thì mỗi bữa ăn tăng thêm gần 300.000 đồng. Nếu tính cả năm học, con số này là vài chục triệu trong khi tiền phụ phí chỉ hơn chục triệu. Sau khi anh phản ứng thì trường thống nhất tăng lên 12.500 đồng/bữa ăn (tăng 500 đồng).
Hiệu trưởng Trường Măng Non - bà Võ Thị Minh Tâm
Vị phụ huynh này nói rằng có thể vì việc này và một số chuyện liên quan đến tiền bạc khác nên hiệu trưởng Trường Măng Non là bà Võ Thị Minh Tâm để bụng. Đến đầu năm học 2016-2017, bà Tâm nói con trai anh không phải là người ở thị trấn Tân An, học trái tuyến nên trả hồ sơ. Sau nhiều lần năn nỉ, gửi đơn đến UBND thị trấn Tân An rồi đến Phòng GD-ĐT huyện Hiệp Đức, con anh mới được bà Tâm nhận vào học và để được nhận vào học thì vị phụ huynh này phải xin lỗi và viết bản cam kết.
Vấn đề này, bà Tâm nói rằng "phụ huynh thích thì nói vậy chứ tôi có khi nào trù dập ai đâu". Theo bà Tâm, vị phụ huynh trên "không có tinh thần xây dựng trường". Bà Tâm nói việc tăng tiền ăn trường đã đưa ra bàn thảo trong BĐD và cân nhắc kỹ để làm sao nộp vừa sức mà đủ cho các cháu ăn, trường chưa bao giờ tăng lên 13.000 đồng/bữa ăn.
Bà Tâm nói năm nay trường có cơ sở mới mới đủ phòng học, từ năm ngoái về trước phòng học quá tải. Năm học 2016-2017, lớp mẫu giáo lớn vượt quá điều lệ, lên tới 38 HS. Vì thế, trường thông báo không tiếp nhận HS ngoài địa bàn và đã nói vị phụ huynh trên đưa con về địa phương. Khi vị phụ huynh trên phản ánh thì Phòng GD-ĐT huyện có ý kiến tạo điều kiện cho tiếp tục học vì còn một năm cuối cùng nên trường làm theo chỉ đạo.
"Vị phụ huynh này lên facebook nói xấu trường, nói xấu bản thân tôi nhưng cái chuyện thù hằn thì không có. Phải chi con ảnh vô trường mà tôi chỉ đạo này kia thì nói được, trong khi con ảnh được hưởng quyền lợi như những đứa trẻ khác. Hơn nữa, ảnh không xin trực tiếp nhà trường mà gửi lên thị trấn, lên phòng GD-ĐT, tôi bị ép nhận sau" – bà Tâm phân trần.
Một số khoản đóng góp của học sinh, trong đó tiền bồi dưỡng cho giáo viên thu hộ tiền ăn là 19,8 triệu đồng
Trước đó, trả lời Báo Người Lao Động về các khoản thu đầu năm mà một số phụ huynh cho là cao và vô lý, trong đó có hơn 157 triệu đồng tiền bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường và trong số này thì có 19,8 triệu đồng là tiền bồi dưỡng thu hộ tiền ăn, bà Tâm cho biết tại hội nghị BĐD ngày 27-9, BĐD đã thống nhất 100%. Hiện trường đang gửi cho chính quyền địa phương thông qua trước khi có nghị quyết rồi mới tổ chức thu.
Mỗi học sinh đóng hơn 4 triệu đồng
Theo tính toán của một phụ huynh, nếu cộng tất cả các khoản thu, gồm cả tiền ăn và tiền học phí thì mỗi HS ở Trường Măng Non của huyện miền núi Hiệp Đức phải đóng ít nhất 4,11 triệu đồng, cao nhất 4,26 triệu đồng - chưa tính tiền mua đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập, đồ dùng vệ sinh... Cụ thể:
- Tiền lao động trường: 150.000 đồng
- Trả lương nhân viên: 190.000 đồng
- Tiền thêm giờ (bồi dưỡng) cho giáo viên, nhân viên: 500.000 đồng
- Xã hội hóa giáo dục: lớp lớn: 150.000 đồng; lớp nhỡ: 200.000 đồng; lớp bé: 250.000 đồng; lớp nhà trẻ: 300.000 đồng
- Quỹ lớp: 120.000 đồng
- Tiền ăn: 2.475.000 đồng
- Tiền học phí: 405.000đồng
- Lao động lớp: 70.000 đồng
- Trang trí lớp: 50.000 đồng
Bình luận (0)