Ngày 11-2, ông Trần Châu Phương Tuấn, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết cá hô có tên khoa học là Catlocarpio siamensis và thuộc nhóm I trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 26 của Chính phủ.
Cá hô này đã được tập kết tại khu vực thị xã Tân Châu trước khi vận chuyển về TP HCM tiêu thụ
Theo đó, những tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu hoặc hợp tác quốc tế đều phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện. Đồng thời, hàng năm phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.
Cũng theo ông Tuấn, cho dù cá hô đã được phép gây nuôi phục vụ kinh doanh nhưng việc khai thác ngoài tự nhiên vẫn được xem là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý.
Do đó, trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh phải thả về môi trường tự nhiên, còn nếu bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt, nếu tang vật được xác nhận bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm phải tiêu hủy ngay theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc theo tập quán địa phương.
"Còn theo Nghị định 42 của Chính phủ thì việc khai thác trái phép loài thủy sản thuộc nhóm I của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg đến trên 100 kg. Ngay cả những cơ sở có hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản có tên trong nhóm I của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng bị xử phạt ở mức tương tự nhưng khối lượng thủy sản từ dưới 10 kg đến trên 500 kg"- ông Tuấn khẳng định.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản An Giang cũng cho rằng những người tham gia vận chuyển, mua bán cá hô đã được đánh bắt ở nước ngoài (Campuchia) như báo chí đã phản ánh vẫn bị xử phạt hành chính với số tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng vì vi phạm quy định về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến 1 tỉ đồng nếu lô hàng có khối lượng từ 2 tấn trở lên.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào sáng 10-2, rất nhiều người kéo nhau đến khu vực gần bến sông Tiền thuộc thị xã Tân Châu (An Giang) để được tận mắt chứng kiến con cá hô nặng đến 111 kg, dài khoảng 1,3 m do thương lái mua từ Campuchia đưa về đây. Nhiều người trong số này đã chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng xã hội để cho bạn bè cùng xem vì họ cho rằng đây là loại cá quý hiếm.
Bình luận (0)