Tối 10-5, UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã có báo cáo về nội dung kiểm tra Farmstay Nẫu Ecovalley thuộc Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (gọi tắt là HTX An Toàn; địa chỉ tại thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão) bị phản ánh tính tiền giá cao cho một đoàn khách sử dụng các dịch vụ ăn uống, lưu trú tại đây vào ngày 2-5.
Cổng vào khu Farmstay Nẫu Ecovalley của HTX An Toàn
Phớt lờ vụ "chặt chém" du khách
Theo nội dung kiểm tra, HTX An Toàn đã có bảng báo giá trước cho đoàn khách nói trên. Tuy nhiên, giá một số đồ uống chưa ghi rõ ràng, cụ thể trong bảng giá, như: giá thức uống khác từ 25.000 – 50.000 đồng, giá cà phê từ 40.000 – 50.000 đồng. Ngoài ra, do yêu cầu của đoàn khách nên có một số mặt hàng thức ăn phát sinh ngoài bảng báo giá.
Kiểm tra về một số ngành nghề hoạt động kinh doanh của HTX An Toàn cho thấy, HTX này có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh, chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất chè, trà thảo mộc, đinh lăng, linh chi nhưng lại chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống, có niêm yết giá nhưng chưa đầy đủ các mặt hàng.
Đối với những vi phạm của HTX An Toàn, hiện ngành chức năng của huyện An Lão đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật. UBND huyện cũng đã yêu cầu HTX dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và cam kết chỉ hoạt động trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định.
Báo cáo của UBND huyện An Lão không đề cập gì đến việc Farmstay Nẫu Ecovalley tính tiền dịch vụ ăn uống mà dư luận cho rằng giá "trên trời"
Như vậy, nội dung báo cáo trên của UBND huyện An Lão không hề đề cập gì đến việc Farmstay Nẫu Ecovalley tính tiền dịch vụ ăn uống cao hay thấp, đúng giá thị trường hay không, mà chỉ xoay quanh việc "báo giá trước" cho đoàn du khách. Trong khi đó, dư luận lại đang bức xúc về hoá đơn tính tiền dịch vụ ăn uống của farmstay với giá "trên trời", có dấu hiệu "chặt chém".
Cụ thể, 2 hoá đơn tính tiền dịch vụ ăn uống của Farmstay Nẫu Ecovalley đối với đoàn du khách 17 người (15 người lớn và 2 trẻ em) hôm 2-5 vừa qua lên đến khoảng 13,5 triệu đồng. Trong đó, cà phê đen được tính với giá 40.000 đồng/ly, cà phê sữa 45.000 đồng/ly, bia Heineken bạc 50.000 đồng/lon, bia Quy Nhơn 25.000 đồng/chai, nước ngọt Coca Cola 35.000 đồng/lon, cơm trưa 100.000 đồng/dĩa.
Nhiều người cho rằng, hầu hết các loại đồ ăn, thức uống mà Farmstay Nẫu Ecovalley tính cho đoàn du khách hôm ấy đều rất cao, nhất là bia, cà phê, nước ngọt, trà, cơm trưa. So sánh với giá ăn uống tại TP Quy Nhơn – thủ phủ của tỉnh Bình Định, nhiều đồ ăn, thức uống tại đây có giá cao gấp 2 - 3 lần, như cà phê, bia Heineken, bia Quy Nhơn, nước ngọt Coca Cola, cơm dĩa…
Giải thích về việc giá cao như trên, đại diện Farmstay Nẫu Ecovalley cho rằng do xã An Toàn là vùng cao nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ đồng băng lên rất khó khăn. Do vậy, giá hàng hóa tại nơi này thường cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với đồng bằng.
Bữa ăn có giá "trên trời" của đoàn du khách 17 người tại Farmstay Nẫu Ecovalley hôm 2-5
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, giá các loại đồ ăn, thức uống được bày bán tại các tiệm tạp hoá ở xã An Toàn nói chung và gần khu vực Farmstay Nẫu Ecovalley nói riêng chỉ cao hơn so với mặt bằng chung tại khu vực đồng bằng của tỉnh Bình Định khoảng từ 10-20%.
"Quên" đại công trình farmstay trái phép?
Không chỉ vậy, báo cáo của của UBND huyện An Lão cũng không hề đề cập gì đến các sai phạm "động trời" của HTX An Toàn trong quá trình xây dựng Farmstay Nẫu Ecovalley.
Cụ thể, để chuẩn bị cho sự ra đời của Farmstay Nẫu Ecovalley, năm 2021, một nhóm người của HTX An Toàn đã liên hệ thuê nhiều khu đất nông nghiệp của bà con bản địa với tổng diện tích hơn 1 ha nói rằng để làm nông trại dược liệu.
Nhiều công trình "hoành tráng" được HTX An Toàn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để phục vụ du khách
Tuy nhiên, diện tích trồng cây dược liệu không đáng bao nhiêu nhưng trên khu đất nông nghiệp HTX An Toàn đã thuê của bà con bản địa, một công trình nhà gỗ 2 tầng, 4 phòng ngủ "hoành tráng" với diện tích hàng trăm m2 được xây dựng trái phép để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, nhà bếp và hàng loạt phòng tắm dược liệu ngoài trời được xây dựng trái phép cũng đã mọc lên tại khu đất nông nghiệp này.
Rõ ràng, những công trình của HTX An Toàn được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phục vụ du khách dưới cái tên Farmstay Nẫu Ecovalley. Tuy nhiên, làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện HTX An Toàn nói rằng đó chỉ là cái "chòi" dựng tạm cho công nhân nông trại dược liệu ở. Trong quá trình trồng cây dược liệu, do "chòi" còn trống phòng nên cho du khách ở để kiếm thêm thu nhập (!?).
Để làm rõ những sai phạm của HTX An Toàn cũng như việc kinh doanh du lịch trái quy định Farmstay Nẫu Ecovalley, phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều lần liên hệ với Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão. Tuy nhiên, không vị lãnh đạo nào phản hồi về những vụ việc sai phạm này.
Bình luận (0)