Ngày 29-8, TAND tỉnh Khánh Hòa phúc thẩm lần 3 vụ án cố ý gây thương tích làm chết một học sinh xảy ra ở xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Không có đồng phạm
Trước đó, tại phiên sơ thẩm lần 3 diễn ra từ ngày 8 đến 10-5, TAND huyện Vạn Ninh tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát (nguyên công an viên xã Vạn Long) 7 năm 3 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích" cộng 1 năm tù về tội "Bắt người trái pháp luật", tổng hợp là 8 năm 3 tháng tù; Lê Tấn Khỏe (SN 1999, ngụ xã Vạn Long) 2 năm 8 tháng 7 ngày tù. Chỉ có Khỏe kháng cáo kêu oan nên phiên tòa phúc thẩm chỉ xét xử đối với bị cáo Khỏe.
Nhân chứng Nguyễn Thị Sương khẳng định nạn nhân chỉ bị ném vỏ chai trúng phần gáy
Bản án sơ thẩm cho rằng ngày 29-12-2013, do mâu thuẫn cá nhân, Khỏe dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng đầu em Tu Ngọc Thạch (học sinh lớp 9). Sau đó, Phát đuổi bắt Thạch, dùng tay chân đánh làm Thạch chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, cả luật sư bào chữa cho bị cáo và người giữ quyền công tố tại tòa gần như cùng quan điểm khi khẳng định không có yếu tố đồng phạm trong vụ án này.
"Phát và Khỏe không có mối quan hệ nào. Các bị cáo cũng không trao đổi, bàn bạc gì trong việc gây thương tích cho Thạch" - luật sư Huỳnh Văn Thành (bào chữa cho bị cáo Khỏe) nêu quan điểm. Đại diện VKSND cũng cho rằng do vụ án không có đồng phạm nên cần cá thể hóa trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo đối với chính hành vi của họ gây ra. Cụ thể là phải xem xét hành vi trái pháp luật của mỗi bị cáo gây ra thương tích cho Thạch như thế nào. Thương tích đó là gì, vị trí nào trên cơ thể? Thương tích đó có ý nghĩa như thế nào với cái chết của nạn nhân chứ kết luận như vậy là chung chung, thiếu căn cứ và không thuyết phục.
Chưa đủ căn cứ
Tại phiên tòa, Khỏe thừa nhận có ném vỏ chai trúng phần cổ đến gáy (vùng chẩm) của Thạch nhưng vết thương này không thể gây nên cái chết của Thạch vì sau đó Thạch vẫn tiếp tục chạy. Khi Khỏe và Thạch giải hòa (trước khi Thạch bị Phát bắt và đánh), Thạch vẫn khỏe bình thường. Các nhân chứng như bà Nguyễn Thị Sương (chủ quán gần nơi Khỏe ném vỏ chai trúng Thạch) hay Tu Ngọc Thiện (anh trai Thạch, người chạy song song với Thạch khi bị Khỏe ném chai) đều xác nhận Khỏe ném trúng vào phần gáy đầu của Thạch.
Đại diện VKSND tại tòa nhìn nhận các bị cáo, nhân chứng trong quá trình điều tra ở cấp sơ thẩm, qua 3 phiên tòa sơ thẩm cũng như tại phiên tòa lần này đều khẳng định Khỏe ném chai trúng phía sau vùng chẩm của Thạch chứ không phải như kết quả điều tra lại và kết luận của phiên tòa sơ thẩm lần 3 cho rằng không nhìn thấy rõ vị trí. "Việc ném vỏ chai nước của Khỏe có gây thương tích gì cho Thạch không, gồm những tổn thương gì, vị trí nào, có quan hệ như thế nào đến nguyên nhân gây tử vong của nạn nhân thì các cơ quan tiến hành tố tụng của cấp sơ thẩm không kết luận được" - kiểm sát viên nêu.
Mặt khác, kết luận giám định pháp y cho thấy không có vết thương nào ở phần chẩm đầu Thạch. Tại phiên tòa, giám định viên Phạm Xuân Thông, Giám đốc Trung tâm Pháp y Khánh Hòa, cho biết có 3 vết tụ máu ở đỉnh đầu và 1 vết nứt lún xương sọ dài 2 cm ở thái dương phải. Thạch chết là do tác động vật tày lên vùng đỉnh đầu và thái dương bên phải.
Trên cơ sở này, kiểm sát viên tại tòa nhận định hành vi của Khỏe không gây nên tổn thương cho Thạch và không phải là tác nhân gây nên cái chết của nạn nhân. Vị này cũng cho rằng tội "Cố ý gây thương tích" là tội cấu thành vật chất, tội phạm chỉ cấu thành khi có hậu quả xảy ra. Trong vụ án này, cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Khỏe phạm tội "Cố ý gây thương tích" với yếu tố định khung là hậu quả chết người nhưng chưa chứng minh có căn cứ pháp lý và khoa học hình sự rằng hậu quả thương tích do Khỏe gây ra là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thạch. "Do đó, chưa thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm và chưa đủ căn cứ để tuyên Khỏe phạm tội "Cố ý gây thương tích". Tôi đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại" - kiểm sát viên tại tòa nêu ý kiến.
"Tôi cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Tôi nói thẳng TAND huyện Vạn Ninh có dấu hiệu ra bản án trái pháp luật" - luật sư Trần Quốc Tuấn (cũng bào chữa cho bị cáo Khỏe) nói.
Tòa dự kiến tuyên án vào sáng 30-8.
Con thành niên vẫn bắt cha mẹ bồi thường
Bản án sơ thẩm ngày 10-5 của TAND huyện Vạn Ninh còn buộc đại diện hợp pháp của Lê Tấn Khỏe là ông Lê Tấn Dũng (cha) và bà Nguyễn Thị Thu Thắm (mẹ) phải bồi thường cho cha mẹ bị hại là ông Tu Ngọc Hoài và bà Nguyễn Thị Lập gần 106 triệu đồng. "Đến ngày xét xử sơ thẩm lần 3 ngày 10-5, Lê Tấn Khỏe đã đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, án tuyên buộc ông Dũng và bà Thắm bồi thường cho vợ chồng ông Hoài là không đúng pháp luật vì cha mẹ bị cáo không còn trách nhiệm phải bồi thường thay nữa" - kiểm sát viên nói.
Bình luận (0)