xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Vũ khí" mới trị ung thư

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp miễn dịch trị một số bệnh ung thư được trao giải Nobel Y học 2018 đang được ứng dụng điều trị tại nhiều bệnh viện trong nước

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư được kỳ vọng là cứu cánh cho những người mắc căn bệnh vốn được coi là "án tử".

Nhận diện, tiêu diệt tế bào ung thư

PGS-TS Lê Đình Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) K, cho biết trong lĩnh vực điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua. Đây là phương thức kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và tấn công tế bào ung thư.

Tại Việt Nam, các loại thuốc điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018 đã được Bộ Y tế cho lưu hành, sử dụng từ cuối năm 2017. Liệu pháp mới này đang được áp dụng tại các BV như: BV K, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân, BV Ung bướu TP HCM…

Theo TS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng BV K, năm 2014, BV K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, BV K chính thức điều trị cho hàng chục bệnh nhân bằng liệu pháp này. Thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, thận tiết niệu… Việc sử dụng thuốc này có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi, BV K mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác như: gan, thận, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng.

GS-TS Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, học trò Việt Nam đầu tiên của GS Tasuku Honjo (người nhận giải Nobel Y học 2018) - cùng cộng sự tại trường này cũng đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017. Bệnh nhân được lấy khoảng 10-30 ml máu ngoại vi để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt. Sau khi đủ số lượng và có được chức năng nhận diện, tiêu diệt tế bào ung thư, các tế bào miễn dịch sẽ được truyền trở lại cơ thể người bệnh, làm tăng số lượng và chất lượng tế bào miễn dịch đủ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu trình điều trị gồm 3 tháng với 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Theo GS-TS Tạ Thành Văn, đề tài quan trọng này được Bộ Y tế phê duyệt và trong gần 2 năm qua đã thử nghiệm lâm sàng trên 75 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư phổ biến: phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4. "Những kết quả thu được ban đầu rất khả quan, giúp bệnh nhân ung thư cải thiện rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ" - GS Văn khẳng định.

Vũ khí mới trị ung thư - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện K

Không thể chữa khỏi

Dù được đánh giá là "vũ khí" mới trong điều trị một số bệnh ung thư giai đoạn muộn nhưng không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này.

Theo bác sĩ Tú, BV K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân ung thư phổi, u hắc tố, vòm họng, tiết niệu… giai đoạn muộn nhưng vẫn cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả. Kết quả điều trị với một số bệnh nhân ung thư phổi, vòm họng, u hắc tố giai đoạn muộn cho kết quả khá tốt... nhưng cũng có trường hợp chỉ ngừng điều trị một thời gian thì khối u lại xuất hiện ở vị trí khác" - bác sĩ Tú nói.

Theo giới chuyên môn, liệu pháp miễn dịch chỉ là một trong 5 phương pháp điều trị ung thư hiện nay, gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch và nội tiết. Với bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm, các bác sĩ vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay điều trị đích.

Vấn đề mà nhiều người mắc ung thư và gia đình cũng đang rất quan tâm đó là chi phí điều trị theo liệu pháp mới như thế nào. Theo tìm hiểu, chi phí điều trị cho một chu kỳ tiêm thuốc từ 60 - 120 triệu đồng, tùy cân nặng, lứa tuổi, tình trạng bệnh, tương tự như liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân.

"Đây là một chi phí khá đắt đỏ, trong khi đó bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần và truyền liên tục trong vòng 3-4 năm. Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho những loại thuốc của liệu pháp điều trị miễn dịch nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận phương pháp này. Trong khi đó, liệu pháp điều trị miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư" - bác sĩ Tú nhấn mạnh.

Mỗi năm có 164.671 ca mắc ung thư

Thống kê cho thấy mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc ung thư; tỉ lệ mắc/100.000 dân là 151,4, đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Số người tử vong hằng năm do ung thư là 114.871 ca; tỉ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4, đứng thứ 130/186 quốc gia. Theo giới chuyên môn, phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo