8.000 người lao động mất việc, đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng do doanh số giảm…, những số liệu này do Vinasun công bố chẳng qua là để phần nào chứng minh thiệt hại do bị đơn gây ra, trên cơ sở đó tòa thụ lý vụ kiện và đưa ra xét xử.
Thực chất, câu chuyện không dừng lại ở đó; cũng không phải vì cạnh tranh hơn thua. Điều cốt lõi mà nguyên đơn - và những bên ủng hộ nguyên đơn - hướng tới là sự công bằng, công bằng về điều kiện kinh doanh; chẳng ở đâu xa: ngay trên sân nhà.
Về mặt tâm lý, phần đông hành khách ủng hộ taxi công nghệ vì sự mới mẻ và cũng vì đã ngán taxi truyền thống. Về mặt vật chất, ủng hộ taxi công nghệ bởi tiện và lợi. Tiện ở chỗ sử dụng phần mềm để đặt xe; biết trước giá, lộ trình, tên tài xế, hiệu xe, biển số xe…; hình thức thanh toán cũng linh hoạt. Lợi là thường xuyên được khuyến mãi giảm giá và giá cước trong hầu hết khung giờ cũng rẻ hơn.
Nhưng hành khách - người tiêu dùng không biết rằng (cũng có thể chẳng có nhu cầu muốn biết) quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ôtô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay có quá nhiều kẽ hở và bất cập nên taxi công nghệ đã tranh thủ, nói đúng ra là lợi dụng, được điều đó. Chẳng hạn, khi thực hiện thí điểm Đề án 24 theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), taxi công nghệ phải ký hợp đồng với đối tác chạy xe (tài xế) qua các hợp tác xã vận tải nhưng trên thực tế những hợp tác xã đó chỉ làm mỗi việc là... bán phù hiệu. Thật ra, ai cũng biết taxi công nghệ ký hợp đồng trực tiếp với tài xế, đồng thời trực tiếp quyết định về giá, khuyến mãi, chiết khấu... Nói là cung ứng phần mềm song bản chất là kinh doanh dịch vụ vận tải taxi. Làm theo kiểu này thì trốn đóng các nghĩa vụ cho nhà nước, trong đó nhiều nhất là thuế. Nhờ vậy mà mạnh tiền khuyến mãi, giảm giá "khủng" để triệt hạ đối thủ, thống lĩnh thị trường.
Vinasun và các hãng taxi truyền thống kêu ca rằng trong khi đó họ phải bị ràng buộc tới 13 điều kiện kinh doanh. Vì quá khắt khe lại chịu sự cạnh tranh không lành mạnh nên doanh nghiệp phải rất chật vật mà vẫn bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho nhà nước. Chi tiết hơn, Vinasun cáo buộc Grab rằng trong 3 năm gần nhất Vinasun chỉ có hơn 5.000 xe mà nộp thuế 1.200 tỉ đồng còn số xe của Grab nhiều hơn 6 lần (khoảng 34.000 chiếc) nhưng đóng thuế chỉ khoảng 9,5 tỉ đồng mà thôi.
Ngoài ra còn có dấu hiệu taxi công nghệ, dẫn đầu là Grab, tăng lượng xe liên tục theo cấp số nhân nhưng kết quả kinh doanh thì báo lỗ - theo tin từ các bộ - ngành hữu quan...
Nếu đúng như vậy thì rõ ràng pháp luật đã tạo nên sự bất bình đẳng đối với các chủ thể kinh doanh. Vụ kiện phát pháo của Vinasun chắc chắn sẽ gián tiếp tạo sức ép lên cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Bộ GTVT, phải xem xét cho dừng thí điểm Đề án 24, đồng thời sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP hiện hành.
Hiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã hoàn tất, theo đó phương án mới là sẽ quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống. Điều tiên quyết là phải tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng, được quản lý chặt chẽ bằng pháp luật cái đã, không để bất cứ ai qua mặt như kiểu múa gậy vườn hoang.
Bình luận (0)