Đó là vụ án nữ đại gia Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng (NH) Đại Tín (TrustBank - tiền thân của NH CB hiện nay), nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ - cùng các đồng phạm can tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Điểm nhấn của vụ án là trường hợp bà Phấn đưa Công ty Phương Trang vào bẫy, mang nợ khống khoảng 5.400 tỉ đồng và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cùng VKSND Tối cao khẳng định bị can Phấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng ngàn tỉ đồng chi sai, thất thoát này.
Sự thật cần được làm rõ tại tòa. Thế nhưng, đang có dư luận - từ phía bà Phấn - rằng bị can này mất sức khỏe 93% nên cần hoãn phiên xét xử.
Theo quy định tại điều 290, Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án. Nếu bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Tòa có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Trường hợp của bà Hứa Thị Phấn, được Hội đồng giám định y khoa do Cơ quan CSĐT - Bộ Công an trưng cầu giám định bị mất sức khỏe 93% do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... Với các bệnh lý nêu trên thì bà Phấn không thuộc trường hợp bị bệnh hiểm nghèo hay bị tâm thần nên không thể hoãn xử hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp này, tòa vẫn có thể thực hiện xét xử và việc bà Phấn vắng mặt không gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, trong vụ án này còn nhiều lời khai của các bị cáo khác, các tài liệu, chứng cứ vật chất khác như hồ sơ tín dụng, kết luận giám định… chứng minh bà Phấn có hành vi phạm tội hay không. Điều 98, BLTTHS 2015 quy định: Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác. Do đó, việc bị cáo không có mặt hoặc không khai báo, không ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trước đây, ở Cà Mau từng có trường hợp tương tự, bị cáo đầu vụ cũng vắng mặt với lý do bị bệnh nhưng tòa vẫn tiến hành xét xử và chứng minh hành vi của bị cáo thông qua các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng công khai tại tòa.
Do vậy, vụ án bà Hứa Thị Phấn cần phải được hành xử cương quyết theo luật, không thể xem xét giản đơn mà tùy tiện đình hoãn, để rồi không biết bao giờ bị can này mới "đủ sức khỏe" để ra tòa nhằm làm sáng tỏ vụ án, đồng thời làm tiền lệ xấu cho các vụ án khác. Không ai có quyền "đùa bỡn" với công lý!
Bình luận (0)