Đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an vừa phối hợp các lực lượng chức năng làm việc với Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) - nơi cung cấp dầu thải cho Lý Đình Vũ, 1 trong 3 nghi can đổ trộm chất thải làm ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà.
Được thuê đổ trộm dầu thải với giá 7 triệu đồng
Theo lời khai ban đầu của Lý Đình Vũ tại cơ quan công an, Vũ được một phụ nữ tên Trang thuê đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải là dầu cặn đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng. Ngày 6-10, Vũ thuê Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Hoàng Văn Thám (SN 1986) đi xe tải đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy chất thải rồi đưa xe về gửi tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đến ngày 8-10, Vũ cùng 2 đồng phạm lái xe tải lên khu vực vắng người ở xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm.
Liên quan đến vụ việc, ngày 21-10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, cho biết ngày 19-10, đoàn kiểm tra gồm Cục Cảnh sát môi trường và Công an tỉnh Hòa Bình đã đến công ty. Đoàn công tác đã làm việc với con gái ông là Nguyễn Thị Huyền Trang (cán bộ Phòng Kinh doanh công ty) và ông Trần Thành Trung (cán bộ Phòng Vật tư kiêm thủ kho công ty). "Sau khi kết thúc buổi làm việc lúc 16 giờ cùng ngày, công an mời luôn Trang và Trung đi cùng, đến giờ vẫn chưa về" - ông Truyền nói.
Khu vực chứa các thùng dầu thải tại Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà Ảnh: PHONG SƠN
Cũng theo ông Truyền, sau khi xảy ra vụ việc, ông tìm hiểu và xác định ông Trần Thành Trung đã lén lút bán dầu thải cho nhóm đối tượng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. "Hôm đó, chỉ có ông Trung trực, nếu ông Trung không mở khóa thì không ai có thể xuất dầu cho các đối tượng được. Việc xuất dầu thải này hoàn toàn trái quy định của công ty" - ông Truyền quả quyết.
Ông Truyền cho biết Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã bỏ công nghệ đốt lốp để nung gạch cách đây 4 năm. Hiện công ty sử dụng gas và dầu diesel để phục vụ lò đốt. Do đó, lượng dầu thải ra là dầu từ máy ép thủy lực, vẫn có thể tái chế được, công ty đã ký hợp đồng giao toàn bộ cho Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (Hải Dương) vận chuyển, xử lý.
Vi phạm quản lý, chuyển giao chất thải
Tuy nhiên, biên bản làm việc của cơ quan chức năng xác định: Tháng 9-2019, Lý Đình Vũ liên lạc với chị Nguyễn Thị Huyền Trang để đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được người phụ nữ này đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, Trang sẽ phải trả cho Vũ tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Đến sáng 7-10, khi Vũ đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải thì Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, Trang cho biết đã giao lại cho ông Trần Thành Trung thay mình bán dầu thải. Khoảng 8 giờ cùng ngày, Nguyễn Chương Đại điều khiển xe tải mang BKS 99C-087.83 vào công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Thám.
Nhóm người này đã sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 bồn chứa và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg.
Làm việc với cơ quan công an, ông Trần Thành Trung thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (là dầu thải) theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.
Trước đó, ngày 9-10, tại xóm Quyết Tiến, Công ty CP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) phát hiện trên mặt đường giao thông liên xã Phú Minh - Phúc Tiến, cách trạm bơm nước hồ của công ty khoảng 2,5 km có vết dầu thải dài khoảng 200 m và chảy xuống suối Trầm, ảnh hưởng đến hồ Đầm Bài (là đầu nguồn nước nguyên liệu của Nhà máy Nước sạch Sông Đà).
Qua điều tra, công an xác định 3 nghi phạm liên quan đến vụ việc là Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám. Sau khi triệu tập, Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đại và Thám. Riêng Vũ bỏ trốn đến ngày 20-10 mới ra đầu thú.
Nước thải của trại heo không đổ xuống hồ Đầm Bài
Sau khi thông tin nước hồ Đầm Bài - nơi cung cấp nước sạch cho Nhà máy Nước sạch Sông Đà - bị ô nhiễm dầu thải, gây ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân ở TP Hà Nội, cộng đồng mạng rộ lên thông tin còn có một trại heo nằm trên núi xả thải thẳng xuống hồ này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Lê - Chủ tịch UBND xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn - cho biết trên địa bàn xã có 2 trang trại heo quy mô lớn với 3.600 con heo nái. Trước khi công ty thành lập, chính quyền địa phương đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Hòa Bình, Phòng TN-MT huyện Kỳ Sơn đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng rồi mới cấp phép. Vì vậy, không có chuyện trang trại heo xả thẳng nước thải xuống hồ Đầm Bài.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Lê, những hình ảnh trên mạng là không đúng sự thật. Bởi theo hồ sơ, nguồn nước thải sau khi xử lý sẽ chảy qua xóm Bu Chằm, xóm Cuốc và xóm Tân Lập (xã Hợp Thịnh) trước khi đổ ra sông Đà. Quãng đường này khoảng 5 km. "Tôi khẳng định chất thải của 2 trang trại heo không xả tới hồ Đầm Bài, không gây ảnh hưởng đến Nhà máy Nước sạch Sông Đà" - ông Lê quả quyết.
Còn theo đại diện của trang trại heo, để được phép hoạt động, trang trại đã đăng ký điểm xả thải và được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình phê duyệt. "Trang trại của chúng tôi không xả thải gây ảnh hưởng tới nguồn nước sông Đà. Thông tin nói chúng tôi xả thẳng nước xuống hồ Đầm Bài là không đúng, điểm xả thải phải đăng ký với tỉnh chứ không phải thích xả đâu thì xả" - vị này thông tin.
P.Sơn
Bình luận (0)